Chủ động phòng ngừa say nắng, say nóng trong ngày nắng nóng cao điểm

  • 2023/06/05 08:08

Vào mùa hè, đặc biệt là trong những ngày nắng nóng cao điểm nền nhiệt độ trong ngày có thể lên tới 35-38oC. Sức nóng từ ánh nắng mặt trời khi tác động tới cơ thể có thể gây ra say nắng, say nóng với biểu hiện nhẹ là mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, nặng thì có thể dẫn đến ngất xỉu, đột quỵ hoặc để lại những di chứng thần kinh không phục hồi.

Nguyên nhân gây say nắng, say nóng

Say nắng: Những người làm việc, lao động hoặc đi quá lâu ngoài trời nắng mà không có đồ bảo vệ như nón, mũ, quần áo dài chống nắng sẽ làm tăng lượng tia UV chiếu thẳng vào vùng cổ gáy. Dưới tác dụng liên tục của tia tử ngoại, trung tâm điều hòa thân nhiệt cơ thể sẽ bị chấn động gây hiện tượng rối loạn và tình trạng mất nước cấp. Do đó, say nắng thường có biểu hiện bệnh nặng ngay từ đầu, một số trường hợp có tụ máu dưới màng cứng, trong não và một số thể hiện rõ tổn thương có thể hoặc không thể hồi phục.

Say nóng: Thường gặp ở những người làm việc trong môi trường nhiệt độ cao, nóng bức như hầm lò, trong phòng kín. Ngoài ra cũng có thể gặp ở người phơi mình quá lâu dưới ánh nắng hay hoạt động thể lực quá sức ở người trẻ như làm việc nặng nhọc kéo dài, chơi các môn thể thao cường độ cao... Say nóng có thể xuất hiện ở ngoài trời, trong hầm lò, trong nhà, trong buồng bệnh, trong toa xe, trên ô tô…Với các trường hợp này, hiện tượng lượng nhiệt sinh ra và lượng nhiệt hấp thu lớn hơn nhiều so với lượng nhiệt cơ thể tỏa ra môi trường xung quanh gây ra say nóng với tình trạng mất nước toàn thể kèm theo rối loạn điều hòa thân nhiệt, rối loạn vận mạch. 

Bên cạnh đó, có nhiều yếu tố nguy cơ dễ dẫn đến say nắng, say nóng khác như thừa hoặc thiếu cân, tuổi quá cao hoặc quá nhỏ, không uống nước, môi trường nóng, mắc các bệnh như đái tháo đường, bệnh tim – phổi – thận, bệnh tâm thần… hay sử dụng các loại thuốc kháng histamin, thuốc giảm cân, thuốc lợi tiểu, thuốc tim mạch, thuốc huyết áp, thuốc chống động kinh…


Người cao tuổi là một trong những đối tượng có nguy cơ bị say nóng, say nắng

Biểu hiện của say nắng, say nóng

Say nắng và say nóng cũng có một số điểm khác nhau. Say nóng thường diễn ra từ từ, nhiệt độ trung bình cơ thể tăng dần, có thể quan sát nhận ra được các biểu hiện căng thẳng nhiệt và thân nhiệt thường không vượt quá 40oC. Còn say nắng thường diễn ra đột ngột, không có dấu hiệu báo trước, thường kèm theo tổn thương thần kinh nặng và có thể gây tử vong.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy, khi bị say nắng, say nóng người bệnh thường có các biểu hiện như đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, choáng váng; không ra mồ hôi mặc dù thời tiết nóng; da đỏ, nóng, khô; thân nhiệt tăng cao, có thể lên tới 39-40oC; yếu cơ hoặc chuột rút; buồn nôn và nôn; nhịp tim nhanh, mạch nhanh yếu; thở nhanh và nông. Nghiêm trọng hơn còn xuất hiện da rộp đỏ, lưỡi sưng, tim đập nhanh và rối loạn ý thức. Người bệnh có thể bị ngất xỉu hoặc rơi vào trạng thái hôn mê, co giật, cần đưa đi cấp cứu nhanh chóng”.

Theo Bộ Y tế, biểu hiện của các vấn đề sức khỏe thường gặp trong mùa nắng nóng phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc với nắng nóng, mức độ tăng thân nhiệt của cơ thể, cụ thể:

Mức độ nhẹ: Mệt mỏi, khát nước, hoa mắt, chóng mặt, tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp đánh trống ngực, chuột rút…

Mức độ nặng: Đau đầu dữ dội, khó thở tăng dần, cảm giác buồn nôn hoặc nôn, yếu hoặc liệt nửa người, co giật, ngất xỉu hoặc hôn mê, trụy tim mạch (tim đập nhanh, huyết áp tụt…) và có thể tử vong.

Đối với nạn nhân bị say nắng, say nóng nếu được điều trị sớm, bù dịch đầy đủ, điều trị tích cực biến chứng thì tỉ lệ sống đạt trên 90%. Tuy nhiên, có những biến chứng thần kinh có thể không hồi phục vĩnh viễn gây ảnh hưởng đến chất lượng sống sau này.

Sơ cứu ban đầu khi bị say nắng, say nóng

Bộ Y tế khuyến cáo cách xử trí khi gặp phải các vấn đề sức khỏe do nắng nóng tùy theo mức độ biểu hiện mà có thể áp dụng các biện pháp như sau:

Mức độ nhẹ, cần chuyển ngay người bệnh vào chỗ thoáng mát, thoáng gió; Nới lỏng quần áo hoặc cởi bỏ bớt quần áo bên ngoài. Sau đó lau cơ thể người bệnh bằng khăn mát hoặc có thể dội nước mát vào cơ thể người bệnh rồi lau khô; Đặt khăn thấm nước mát hoặc nước đá tại các vị trí như vùng nách, vùng bẹn, hai bên cổ để giúp nhanh chóng giảm nhiệt độ cơ thể.

Nếu người bệnh uống được nước, cho uống từng ngụm nhỏ nước mát. Tốt nhất là uống nước có bổ sung muối và khoáng chất như nước oserol pha đúng liều lượng theo hướng dẫn sử dụng.

Nếu người bệnh bị chuột rút, cần xoa bóp nhẹ nhàng vùng cơ bị chuột rút. 

Lưu ý không để cho nhiều người bệnh vây quanh nạn nhân. Sau đó khoảng 10-15 phút các biểu hiện sẽ giảm dần

Mức độ nặng: Nếu nạn nhân có các biểu hiện ở mức độ nặng, cần gọi ngay cấp cứu 115 hoặc nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Lưu ý trong quá trình vận chuyển thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.

Dự phòng say nắng, say nóng

Để phòng tránh say nắng, say nóng, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy khuyến cáo người dân nên chủ động thực hiện những điều sau:

 - Uống nhiều nước để tránh mất nước, khuyến khích nhiều nước trái cây, nước rau, nước uống bổ sung điện giải khi hoạt động trong thời gian nhiệt độ và độ ẩm cao.

- Hạn chế tối đa các hoạt động ngoài trời trong thời tiết nắng nóng, đặc biệt là các hoạt động thể thao dễ gây mất sức.

- Nếu phải ra ngoài trong thời tiết nắng nóng hãy trang bị các dụng cụ che chắn, mặc quần áo rộng rãi để tránh làm tăng thân nhiệt.

- Sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng SPF > 30.

- Nếu ra ngoài sau khi vừa ngồi trong phòng điều hòa, hãy đứng ở nơi thoáng mát khoảng 5 phút để cơ thể thích nghi và tránh bị sốc nhiệt.

- Tránh uống các đồ uống giàu caffeine, cồn trước khi đi nắng bởi chúng có thể gây mất nước nhanh hơn.

- Chú ý màu sắc nước tiểu để nhận biết tình trạng cấp nước của cơ thể: nước tiểu sẫm màu cảnh báo cơ thể đang thiếu nước.

- Nếu không cần thiết nên tránh ra đường vào khung giờ trưa và đầu giờ chiều.

Mạc Thảo