Phòng chống đuối nước cho trẻ em trong mùa hè

  • 2024/06/03 08:24

Thời điểm mùa hè nắng nóng cũng là lúc các em học sinh hay rủ nhau đi bơi, đi tắm ở nhiều khu vực ao hồ, sông suối... tiềm ẩn nuy cơ đuối nước cao.

Nguyên nhân đuối nước, đặc biệt là trường hợp các em học sinh chủ yếu xuất phát từ nhận thức và không có khả năng chủ động đảm bảo an toàn khi tiếp xúc với môi trường nước. Các em do bản tính hiếu động, tò mò, thích khám phá, có các hành vi liều lĩnh, thích thể hiện bản thân; thiếu kiến thức, kỹ năng để đánh giá, nhận định các nguy cơ nguy hiểm có thể xảy ra đuối nước tại các môi trường như sông, hồ, ao, suối…


Nhiều trẻ em biết bơi nhưng vẫn bị tử vong do đuối nước là do các em thiếu kiến thức, kỹ năng chủ động phòng tránh, không biết kỹ năng tự cứu và cứu đuối an toàn. Bên cạnh đó, môi trường sống xung quanh cũng luôn luôn có những yếu tố nguy cơ rình rập gây nên tai nạn đuối nước cho trẻ em như chậu nước, chum vại, bể nước, giếng nước,… không có nắp đậy an toàn; sông, hồ, suối, ao nước… không được rào chắn và có biển báo nguy hiểm.

Ngoài ra, còn có một nguyên nhân nữa là do bố mẹ, người chăm trẻ và trẻ còn chủ quan thiếu sự giám sát đối với trẻ, chưa biết nguyên tắc an toàn với môi trường nước; chưa biết bơi, chưa có kinh nghiệm cứu đuối nước và sơ cấp cứu…

Để bảo đảm an toàn, phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em, các cơ quan, gia đình, trường học cần thực hiện một số biện pháp bảo đảm an toàn như sau:

- Mỗi gia đình phải chủ động trong việc cho các em học kỹ năng bơi, ngay từ khi còn nhỏ, nhất là các em sinh sống gần các khu vực ao, hồ, sông, suối.

- Quản lý chặt chẽ các em trong sinh hoạt, nhắc nhở không để các em tự ý chơi tại các khu vực ao, hồ, sông suối có mực nước lớn, trơn trượt. Không cho các em tự ý đi tắm tại các khu vực không có người lớn trông coi, khu vực ao, hồ, sông suối có mực nước sâu, nguy hiểm.

- Che chắn các vị trí nguy hiểm, trơn trượt, dễ dẫn tới té ngã, bố trí các biển cấm, biển cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực giếng, ao, hồ, sông suối để phòng tránh tai nạn đuối nước xảy ra.

- Khi tổ chức cho các em đi du lịch, đi chơi tại các khu vực có nước cũng phải chú ý trông coi, nhất là các em nhỏ, chưa biết bơi.

- Chú ý nhắc nhở đối với trẻ đã biết bơi: Không bơi khi trời đã tối, có sấm chớp, mưa; phải khởi động trước khi xuống nước; không ăn uống khi đang bơi để tránh sặc nước…

- Khi phát hiện thấy người bị rơi ngã xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay khi nhìn thấy nạn nhân. Đồng thời, cần nhanh chóng tìm bất kỳ vật dụng nào để có thể cứu gián tiếp như: cây sào, phao, áo, quần, dây nịt… Hãy cho những người bị đuối nước bám vào các vật dụng này để người trên bờ kéo dần vào; như vậy, việc cứu nạn sẽ hiệu quả hơn. Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi và không biết cách cứu đuối nước vì bản thân mình cũng có thể bị đuối nước.

- Khi người cứu nạn biết bơi hãy sử dụng phao hoặc các vật thể nổi khác để bơi ra gần nạn nhân. Nếu người đuối nước còn tỉnh táo thì ra ký hiệu cho nạn nhân bám vào phao rồi sau đó vừa bơi vừa kéo phao đưa nạn nhân vào bờ. Trường hợp nạn nhân đã đuối sức, người cứu nạn nên tiếp cận nạn nhân từ phía sau, đưa phao (hoặc vật thể nổi) ra phía trước mặt nạn nhân, dùng 2 tay luồn dưới 2 nách nạn nhân từ sau ra trước và bám vào phao đã đặt phía trước, giữ cho đầu nạn nhân nổi và sau đó bơi ngửa đưa nạn nhân vào bờ. Sơ cứu nạn nhân trong trường hợp nguy cấp.


Để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra và hạn chế thấp nhất tử vong do đuối nước, rất cần sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các ban ngành chức năng, các đoàn thể xã hội, gia đình và nhà trường nhằm xây dựng môi trường an toàn cho trẻ./.

Minh Khương