Tầm soát sớm ung thư vòm họng để nâng cao chất lượng sống

  • 2022/09/20 08:51

Ung thư vòm họng giai đoạn đầu có thể chữa khỏi nếu được phát hiện điều trị sớm. Để phát hiện sớm bệnh ung thư vòm họng thì cách tốt nhất là tầm soát ung thư vòm họng.

1. Ung thư vòm họng có nguy hiểm không?

Tại Việt Nam, Ung thư vòm họng đứng hàng đầu trong các bệnh ung thư vùng đầu cổ và đứng thứ 5 trong các bệnh ung thư nói chung. Tỷ lệ mắc bệnh cao là như vậy, nhưng các triệu chứng của bệnh lại không rõ ràng nên việc phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu gặp nhiều khó khăn, phần lớn người bệnh thường phát hiện ở giai đoạn muộn, nên tỷ lệ tử vong rất cao

Bên cạnh đó,  bệnh có diễn biến phát triển rất nhanh, tế bào ung thư vòm họng khi đã xâm nhập vào cơ thể thì nhanh chóng di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể gây khó khăn cho điều trị, tỉ lệ tái phát của bệnh cũng rất cao, đe dọa trực tiếp sức khỏe và tính mạng của người bệnh.

Điều đáng lo ngại hơn, hiện nay tình trạng ung thư vòm họng ở Việt Nam đang có xu hướng tăng lên nhanh chóng về số lượng do tác động của ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng của khói thuốc lá, thực phẩm bẩn….

Ngoài ra, Ung thư vòm họng thường rất dễ nhầm với những bệnh lý khác như viêm amidan, viêm họng…Hậu quả là người bệnh thường chủ quan không đi xét nghiệm nên đoán sai bệnh, điều trị sai cách nên bệnh ngày càng trầm trọng hơn, cơ hội sống cũng thấp hơn.

Tầm soát ung thư vòm họng là cách tốt nhất để chẩn đoán bệnh tuy nhiên không phải ai cũng nên làm tầm soát sớm mà còn tùy vào đối tượng có nguy cơ cao.

2. Nguyên nhân gây bệnh

Hiện nay chưa có nguyên nhân chính xác của bệnh ung thư vòm họng. Tuy nhiên, có 3 nhóm yếu tố nguy cơ khiến chúng ta dễ mắc bệnh hơn như:

Yếu tố di truyền: Trong gia đình có người mắc ung thư vòm họng thì khả năng người còn lại mắc bệnh cũng nhiều hơn.

Nhiễm virus EBV. Loại vi rút phổ biến này thường gây ra những dấu hiệu và triệu chứng nhẹ, như những dấu hiệu và triệu chứng của cảm lạnh. Đôi khi vi rút này có thể gây ra bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn. Vi rút Epstein-Barr cũng có liên quan đến vài loại ung thư hiếm gặp, trong đó có ung thư vòm họng.

Môi trường: Tiếp xúc nhiều với thuốc lá, rượu bia; làm việc trong môi trường ô nhiễm không khí, hoá chất độc hại; sử dụng nhiều các loại thịt nướng, thịt hun khói, đồ hộp, đồ muối như dưa muối, cá muối...vì có thành phần Nitrosamin tăng nguy cơ gây ung thư.


Các yếu tố nguy cơ gây Ung thư vòng họng.

3. Các triệu chứng của ung thư vòm họng

Các dấu hiệu sớm thường nghèo nàn, dễ bỏ qua vì hay bị nhầm với các triệu chứng của bệnh viêm nhiễm vùng tai mũi họng. Các triệu chứng lúc đầu thường xuất hiện ở một bên hay một vị trí, sau đó tăng dần. Các triệu chứng có thể gặp:

Hạch cổ: vị trí hay gặp là hạch cổ vị trí góc hàm hoặc xuất hiện nhiều hạch ở 1 hay 2 bên cổ.

Các triệu chứng tai: thường biểu hiện 1 bên như nghe kém, ù tai hoặc hiếm gặp hơn là đau tai hay chảy dịch ở tai.

Các triệu chứng mũi: ngạt tắc mũi một hoặc 2 bên hoặc chảy máu mũi dai dẳng điều trị nội khoa không cải thiện

Các triệu chứng thần kinh: nhìn đôi và lác trong, đau nửa mặt hoặc đau họng, đau đầu hoặc đau nửa đầu khi u xâm lấn nội sọ.

Các triệu chứng mắt: xâm lấn ổ mắt hiếm gặp, chủ yếu gặp lồi mắt hoặc liệt vận nhãn


Một số triệu chứng của Ung thư vòm họng.

4. Tầm soát ung thư vòm họng là gì?

Tầm soát ung thư vòm họng là thủ thuật sàng lọc nhằm tìm kiếm tế bào đột biến ở một người trước khi người đó có bất kỳ triệu chứng nào. Tầm soát ung thư có thể giúp bạn phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu. Từ đó, quá trình điều trị có thể diễn ra thuận lợi hơn.

Hiện nay, có nhiều phương pháp chẩn đoán ung thư vòm họng như: Thăm khám tổng quan; nội soi thanh quản gián tiếp; sinh thiết; chụp CT/ MRI; xét nghiệm nồng độ vi rút EBV trong huyết tương cũng sẽ được thực hiện;…

5. Vì sao nên tầm soát ung thư vòm họng?

Để phát hiện sớm bệnh, cách tốt nhất và duy nhất là tầm soát ung thư vòm họng. Khi phát hiện sớm sẽ giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả và tăng cơ hội chữa khỏi bệnh. Bên cạnh đó, điều trị UTVH ở giai đoạn sớm, chi phí cũng sẽ không quá tốn kém và tinh thần người bệnh cũng tốt hơn rất nhiều.

6. Cách phòng tránh

- Giảm thiểu tối đa các yếu tố nguy cơ liên quan đến môi trường như hút thuốc lá, uống rượu, thói quen ăn mặn hay sử dụng đồ hộp chế biến sẵn, giữ gìn vệ sinh môi trường sống và làm việc sạch sẽ; có đầy đủ trang thiết bị bảo hộ lao động khi làm việc trong môi trường hóa chất độc hại…

- Tập thể dục thường xuyên nâng cao sức khỏe.

- Đặc biệt chú trọng việc tầm soát ung thư vòm họng bằng cách kiểm tra sức khỏe định kỳ, nội soi tai mũi họng 6 tháng/lần, nhất là những người có yếu tố nguy cơ…giúp phát hiện được tổn thương dạng khối vùng vòm với các hình thái điển hình như sùi, loét, thâm nhiễm hoặc kết hợp các tổn thương này, qua đó giúp phát hiện sớm ung thư ngay từ khi tổn thương còn nhỏ và người bệnh chưa có triệu chứng.

Ung thư vòm họng nếu được phát hiện sớm có tiên lượng khá tốt. Do đó, ngoài việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, khi có các triệu chứng như đau đầu, chảy máu mũi, khó chịu 1 bên tai hay nổi hạch cổ, bạn nên đến bệnh viện để được khám và chẩn đoán sớm để việc điều trị đạt kết quả tốt nhất, tránh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.


Nội soi tầm soát ung thư TMH tại Bệnh viện Bãi Cháy

Bệnh viện Bãi Cháy là một trong những bệnh viện đa khoa hạng I tuyến cuối của tỉnh. Đặc biệt, Bệnh viện có Trung tâm Ung bướu được đầu tư đồng bộ, hiện đại về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực là địa chỉ tầm soát ung thư uy tín, tin cậy giúp người bệnh phát hiện sớm ung thư vòm họng.

Để được tư vấn, hỗ trợ và đặt lịch hẹn khám tầm soát, phát hiện sớm bệnh ung thư vòm họng tại bệnh viện, vui lòng liên hệ theo SĐT CSKH: 1900.96.96.94.

  Minh Khương