Viêm gân mạn tính: Nguyên nhân gây đau và phương pháp điều trị

  • 2024/11/21 09:13

Khi bước vào tuổi trung niên, đặc biệt là với phụ nữ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe như: hội chứng tiền mãn kinh, loãng xương khi mãn kinh, đau nhức các vùng khớp. Ngoài bệnh lý thoái hóa các khớp bắt đầu xuất hiện ở tuổi trung niên gây ra các triệu chứng đau thì viêm gân mạn tính cũng là nguyên nhân gây đau ở các khớp. Không chỉ phụ nữ, nam giới dù chơi thể thao hay không cũng có thể bị đau do tình trạng viêm gân mạn tính.

Viêm gân mạn tính là tình trạng thoái hóa do thiếu máu nuôi gân. Đây là nơi vốn dĩ ít máu nuôi, do mật độ collagen dày đặc để thực hiện việc chuyển tải lực từ cơ tác động lên khớp. Có ba nơi hay gây đau đó là khớp vai, khuỷu, vùng gót chân, gan bàn chân. 


Đau vùng vai

Khớp vai bị đau mà không có nguyên nhân gì, một số nam giới thì cảm thấy cơn đau xuất hiện khi làm trái tay hay đột ngột nâng vật nặng hoặc với tay lấy vật dụng nào đó hoặc có thể bị ngã nhẹ. Cơn đau xuất hiện có thể gây đau nhức ngay từ đầu hay âm ỉ với cường độ ngày càng rõ. Khó xác định được vị trí của chỗ đau vì người bệnh cảm thấy đau ở vùng cổ thấp, vùng vai, lan xuống cánh tay và đau vùng mặt trước cánh tay hay phía sau vai. Đau khi trời trở lạnh và nhất là ban đêm về sáng, đau khi nằm nghiêng bên tay bị đau. Cơn đau xuất hiện ngày càng rõ và bắt đầu xuất hiện triệu chứng khác như không thể đưa tay ra sau lưng, các động tác mặc quần áo, cột tóc, lái xe, gãi đầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng làm bệnh nhân cảm thấy bực bội vì cuộc sống bị ảnh hưởng. Đa phần người bệnh được chẩn đoán thoái hóa cột sống cổ nhưng chụp hình lại không thấy gì ở cột sống cổ. Đây chính là triệu chứng của bệnh lý viêm gân mạn tính chóp xoay vai và nếu để lâu có thể dẫn tới tình trạng rách gân chóp xoay vai, mà hậu quả có thể làm viêm co rút bao khớp khiến khớp vai hạn chế cử động, gân đứt dẫn đến tay yếu không thể chơi thể thao hay làm việc bình thường.

Đau vùng khuỷu

Đối với cơn đau vùng khuỷu, người bệnh cảm thấy mặt ngoài khuỷu bị đau. Cơn đau lúc đầu nhẹ nên người bệnh bỏ qua nhưng ngày càng xuất hiện rõ hơn. Bệnh nhân đau không thể cầm chổi quét nhà, cầm ly uống nước cũng đau. Nam giới nhiều khi cầm ly bia cụng với bạn bè cũng thấy đau nên phải đổi tay cầm. Khi chụp phim không thấy gì bất thường, khi khám bệnh ấn vào mặt ngoài khuỷu, chỗ có cục u xương thì cảm thấy đau nhức. Đây chính là biểu hiện của bệnh lý viêm gân mạn tính của gân duỗi cổ tay quay ngắn, đôi khi là viêm gân mạn tính của cả nhóm gân duỗi cổ tay và duỗi chung các ngón hoặc còn gọi dưới tên khác là viêm mỏm trên lồi cầu ngoài xương cánh tay là điểm bám của nhóm gân duỗi cổ tay và duỗi chung ngón tay hay còn gọi khuỷu tay người chơi tennis. Mặc dù, bệnh này hay xảy ra trên những phụ nữ làm việc nội trợ và chưa từng bao giờ cầm vợt tennis, sở dĩ bệnh mang tên “khuỷu tay người chơi tennis” là vì người ta thấy những người chơi tennis hay bị bệnh này do cú đánh rờ ve, làm nhóm gân duỗi bị tổn thương lặp đi lặp lại nhất là gân duỗi cổ tay quay ngắn.

Đau vùng gót chân – gan chân

Ở trường hợp này, người bệnh tự nhiên cảm thấy gót chân hay gan chân đau nhói, tuy nhiên khi bước đi vài bước lại thấy cơn đau biến mất. Tình trạng này cứ lặp đi lặp lại và cường độ đau ngày càng mạnh lên, thời gian để cơn đau mất đi ngày càng dài ra và đôi khi càng đi càng đau. Nếu để một thời gian sau đó mới đi chụp phim gót chân thì sẽ thấy một cái gai vùng xương gót. Đây là tình trạng viêm gân mạn tính gân gót, nếu cơn đau xuất hiện ở vùng sau gót. Khi cơn đau ở vùng gan chân đó chính là tình trạng viêm cân gan chân.

Cả ba bệnh lý trên đều có một cơ chế bệnh lý chung là do tình trạng viêm gân mạn tính gây nên. 

Mặc dù viêm gân mạn tính không đe dọa đến tính mạng, nhưng nó có thể gây ra sự không thoải mái và ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống, cũng như các hoạt động hàng ngày. Viêm gân mạn tính nếu không được chữa trị có thể gây ra những hậu quả sau đây:

Đau và khó chịu: Tình trạng viêm gân kéo dài sẽ dẫn đến đau đớn kéo dài, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh và thậm chí ảnh hưởng đến cả giấc ngủ. Trong thời gian dài, điều này có thể khiến người bệnh bị căng thẳng tinh thần, suy yếu cơ thể và lo lắng về tình trạng bệnh.

-Sự suy giảm trong khả năng di chuyển của khớp: Cơn đau kéo dài có thể dẫn đến việc giới hạn sự di chuyển của người bị viêm gân mạn tính. Từ đó người bệnh sẽ bắt đầu tránh những hoạt động có nguy cơ làm tăng cơn đau. Điều này cuối cùng có thể gây ra cứng khớp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng di chuyển và chất lượng cuộc sống. Việc điều trị sớm bệnh viêm gân mạn tính là quan trọng để ngăn ngừa những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra.



Vật lý trị liệu điều trị viêm gân

Khám và điều trị viêm gân mạn tính tại Bệnh viện Bãi Cháy, người bệnh sẽ được khám chuyên sâu và tư vấn các phương pháp điều trị như:

Kết hợp thuốc và vật lý trị liệu: Dùng thuốc chống viêm và giảm đau trong khoảng 7 - 10 ngày. Nếu tình trạng không cải thiện, có thể tiến hành tiêm corticoid tại chỗ để giảm viêm và đau trong thời gian dài hơn. Vật lý trị liệu, bao gồm các phương pháp như trị liệu nhiệt (sử dụng nhiệt nóng hoặc lạnh), trị liệu siêu âm, trị liệu sóng ngắn và trị liệu xoa bóp, thường được kết hợp với các bài tập để cải thiện sự linh hoạt của khớp.

Y học cổ truyền: Châm cứu, xoa bóp và bấm huyệt có thể được sử dụng như phương pháp bổ sung, giúp giảm đau và giảm viêm ở một số trường hợp.

Phẫu thuật: Các ca phẫu thuật sẽ được xem xét khi các biện pháp trên áp dụng không thành công. Các phương pháp phẫu thuật có thể được tiến hành để loại bỏ cục máu kết tủa trong gân, hoặc sửa chữa gân bị tổn thương, sau đó kết hợp với trị liệu sau phẫu thuật.

Nghỉ ngơi hợp lý: Việc nghỉ ngơi hợp lý là quan trọng trong giai đoạn ban đầu của bệnh để giảm viêm và ngăn chặn tổn thương tiếp theo. Đồng thời người bệnh cũng cần tránh các hoạt động gây tổn thương nhiều đến gân.

Chế độ tập luyện cá nhân: Các chương trình tập luyện cá nhân được thiết kế cho mỗi người để giúp cải thiện khả năng di chuyển và sức mạnh của khớp. Các bài tập này là rất quan trọng để khôi phục các chức năng.

Bệnh viêm gân mạn tính có thể không đe dọa đến tính mạng, nhưng nó ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Vì vậy, người dân nên điều trị sớm ngay khi xuất hiện triệu chứng, vì sự can thiệp kịp thời thường dẫn đến kết quả điều trị tốt hơn.

Để phòng ngừa viêm gân mạn tính người dân cần: Hạn chế những hoạt động làm gân bị căng thẳng quá mức, đặc biệt là trong thời gian dài. Nếu cảm thấy đau khi tập, người bệnh cần dừng lại để nghỉ ngơi, tránh tập vì có thể làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn; Kết hợp những bài tập tăng sự linh hoạt và khả năng chịu đựng của gân. Bạn có thể tập xen kẽ giữa những bài tập như đạp xe, chạy bộ hay bơi lội; Cần cải thiện kỹ thuật nhằm tránh kỹ thuật xấu ảnh hưởng tới gân. Bạn có thể trao đổi với huấn luyện viên trước khi bắt đầu tập; Luôn khởi động trước khi tập luyện để tăng phạm vi chuyển động của khớp, giảm nguy cơ chấn thương khi thực hiện những động tác lặp lại; Áp dụng tư thế đúng tại nơi làm việc như điều chỉnh màn hình máy tính, ghế, bàn phím phù hợp, tránh gây căng thẳng cho gân và khớp.

Mạc Thảo