Những "Người giải phẫu bệnh" thầm lặng
Vai trò của những người làm công tác giải phẫu bệnh vô cùng quan trọng bởi họ sẽ là người tìm ra căn nguyên căn bệnh, giúp bác sĩ có chỉ định hướng điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, không nhiều người biết đến những bóng áo trắng lặng thầm ấy.
Tập thể khoa Giải phẫu bệnh - Bệnh viện Bãi Cháy.
Khoa Giải phẫu bệnh – Bệnh viện Bãi Cháy, được thành lập vào cuối năm
2011, với hơn 10 năm xây dựng và trưởng thành cùng sự lớn mạnh của Bệnh viện,
hiện nay Khoa có 10 cán bộ trong đó có 04 bác sĩ, 06 điều dưỡng
và KTV. Bác sĩ CKII Ngọc Ngọc Hiếu là
Trưởng khoa.
Hiện
nay, Khoa được đầu tư trang thiết bị hết sức hiện đại như máy nhuộm, cắt tiêu
bản tự động; máy nhuộm hóa mô tự động; máy chuyển mô tự động nhanh; các kính
hiển vi quang học có chụp ảnh kết nối vi tính; máy cắt lạnh….
Nhiều kỹ thuật đã được khoa triển khai ở 2 lĩnh vực bao gồm: Xét nghiệm tế bào học (cyto): chọc hút kim nhỏ các hạch, khối u (vú, tuyến giáp, hạch…) và các tổn thương trong cơ thể; lấy tế bào ở các hốc tự nhiên( miệng, mũi… ); xét nghiệm các dịch tự nhiên(dịch khớp, dịch não tủy, dịch màng bụng, màng phổi…); xét nghiệm dịch âm đạo- cổ tử cung để tầm soát sớm ung thư cổ tử cung; sàng lọc các bệnh ở cộng đồng đặc biệt các ung thư phổ biến như tuyến giáp, vú, cổ tử cung, phổi, … Xét nghiệm mô bệnh học: Xét nghiệm trước và trong phẫu thuật: sinh thiết và sinh thiết tức thì. Xét nghiệm các mô sau thủ thuật và phẫu thuật gồm các hạch, khối u (dạ dày, đại tràng, trực tràng, phổi,gan, não,…), các tổn thương bên trong và bên ngoài cơ thể.
BS.CKII Ngọ Ngọc Hiếu đọc tiêu bản xét nghiệm.
BS.CKII Ngọ Ngọc Hiếu, Trưởng khoa Giải phẫu bệnh Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: Giải phẫu bệnh là để tìm ra nguyên nhân bệnh, biết được bản chất của bệnh tật. Bác sĩ giải phẫu bệnh là người chẩn đoán những mẫu bệnh phẩm từ cơ thể bệnh nhân để các bác sĩ lâm sàng căn cứ vào đó mà điều trị. Giải phẫu bệnh sai, dẫn đến nhìn nhận sai về bản chất căn bệnh, hệ lụy đem lại là phác đồ điều trị đi chệch hướng, khó đem lại kết quả tốt.
BS khoa GPB đọc tiêu bản xét nghiệm.
Nhờ việc xem xét kỹ hình thái các tế bào và
các cách sắp xếp hình thái học của chúng, bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ xác định mẫu
mô được xét nghiệm là lành tính hay ung thư. Đây được coi là tiêu chuẩn vàng, đối
với các trường hợp điển hình, bác sĩ giải phẫu bệnh dễ dàng đưa ra các chẩn
đoán chính xác để các bác sĩ ung thư học lựa chọn biện pháp điều trị thích hợp.
Hằng ngày, khi phải viết trên những phiếu kết
quả xét nghiệm, theo tâm lý bệnh nhân là những “bản án” sinh tử đối với họ, BS.CKII
Ngọ Ngọc Hiếu không khỏi trăn trở khi thấy số bệnh nhân mắc mới ung thư ngày
càng tăng, độ tuổi ung thư lại ngày càng trẻ hóa. Bên cạnh những nỗi niềm kia,
BS. Hiếu vẫn tìm được nhiều niềm vui trong công việc với sự tôn trọng của đồng
nghiệp và sự tin cậy của bệnh nhân.
Công việc của các điều dưỡng, KTV giải phẫu bệnh khá lặng lẽ. Có khi họ làm nhiệm vụ chỉ dẫn, giúp đỡ bệnh nhân tiến hành lấy bệnh phẩm để xét nghiệm. Lại có lúc, cô lẩn khuất sau cánh cửa khép kín của phòng Sinh thiết mô bệnh học, "làm bạn" với bệnh phẩm, tiếp xúc với nhiều loại hóa chất độc hại, với tiêu bản, để cuối cùng có thể giúp bác sĩ có được một kết quả xét nghiệm chính xác. Chẩn đoán giải phẫu bệnh dựa trên việc xem xét các mẫu bệnh phẩm (mô u) đã được cố định trong formol, chuyển đúc trong nến (paraffin), cắt thành các lát cắt rất mỏng, chỉ 3 đến 4 micromet và nhuộm màu bằng nhiều phương pháp khác nhau.
Các KTV giải phẫu bệnh đang thực hiện các công việc của mình.
Đây là công việc của những điều dưỡng, KTV đòi
hỏi họ phải có khả năng sử dụng thành thạo những trang thiết bị tự động hóa để
thực hiện các xét nghiệm, phân tích và nhận định kết quả; đòi hỏi sự chặt chẽ
và chính xác, tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc về quy trình, vì chỉ một sơ suất nhỏ
sẽ ảnh hưởng đến kết quả. Những tiêu bản của bệnh phẩm sau đó được chuyển đến các
bác sĩ xem xét, nghiên cứu đưa ra chẩn đoán kết quả bệnh học.
Chẩn đoán giải phẫu bệnh ung thư giữ vai trò
quan trọng trong việc điều trị và tiên lượng bệnh (dự báo sự diễn biến của
bệnh). Trên mỗi tờ giấy có ghi kết quả xét nghiệm, kết quả thường là có mắc
bệnh hoặc không, chỉ khác nhau ở vài con chữ nhưng lại có ảnh hưởng hoàn toàn
trái ngược đến diễn biến sức khỏe và tâm lý của bệnh nhân, cũng như phương
hướng và kết quả điều trị. Vậy nên, những người làm trong công tác giải phẫu
bệnh luôn phải chịu khó, nhẫn nại, tỉ mỉ.
Với những đóng góp nhỏ vào công tác chẩn đoán
chính xác cho các trường hợp bệnh lý khối u – ung thư như thế, những “chiến sĩ”
áo trắng giải phẫu bệnh âm thầm đó xứng đáng được vinh danh nhiều hơn nữa.
Minh Khương