Nữ bác sĩ chẩn đoán hình ảnh thầm lặng sau thành công cứu chữa người bệnh và đam mê nghiên cứu khoa học

  • 2024/03/08 07:05

Chẩn đoán hình ảnh là chuyên ngành Y khoa có ý nghĩa quan trọng trong việc chẩn đoán, hỗ trợ công tác điều trị bệnh. Hơn 20 năm gắn bó với lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh của Bệnh viện Bãi Cháy, Bác sĩ Đoàn Thị Huệ - Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh luôn cần mẫn trau dồi chuyên môn, đưa ra những chẩn đoán bệnh chính xác từ những phim chụp Xquang, cắt vi tính, cộng hưởng từ..., âm thầm đứng sau thành công cứu sống người bệnh. Chị cũng là một trong những nữ cán bộ tiêu biểu cho phong trào nghiên cứu khoa học tại Bệnh viện Bãi Cháy.


Nữ bác sĩ giải mã phim chụp lát cắt cơ thể con người

Dựa trên hình ảnh để chẩn đoán bệnh, chẩn đoán hình ảnh (CĐHA) được xem là chuyên ngành Cận lâm sàng hỗ trợ đắc lực nhất cho lâm sàng sau quá trình thăm khám và hỏi bệnh. Thông qua sử dụng những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại như như Xquang, siêu âm, cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ…, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh có thể “nhìn xuyên thấu” hình thái, cấu trúc bên trong cơ thể người, những biểu hiện bệnh lý mà mắt thường không quan sát được. Trên cơ sở đó đưa ra những đánh giá, kết luận bệnh lý hỗ trợ định hướng phương pháp điều trị cho người bệnh. Tuy không trực tiếp tham gia thăm khám, hỏi bệnh, điều trị bệnh nhân nhưng công việc thầm lặng của bác sĩ Đoàn Thị Huệ và các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh lại đóng vai trò quan trọng sau thành công cứu chữa người bệnh.



Thông qua sử dụng những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại như như Xquang, siêu âm, cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ…, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh có thể “nhìn xuyên thấu” cấu trúc bên trong cơ thể người

Tốt nghiệp Đại học Y Thái Nguyên năm 2000, được đào tạo chuyên khoa 1 (2012) và chuyên khoa 2 (năm 2017) tại Đại học Y Hà Nội, bác sĩ Đoàn Thị Huệ lựa chọn công tác tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh và điện quang can thiệp, trở thành một trong những bác sĩ đầu tiên đặt nền móng xây dựng, phát triển lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện Bãi Cháy. Hơn 10 năm thành lập, đến nay, Khoa Chẩn đoán hình ảnh và điện quang can thiệp đã trở thành chuyên khoa mũi nhọn tại bệnh viện, nổi bật với các thế mạnh kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT scanner), cộng hưởng từ (MRI)… Nhờ đó, nâng cao hiệu quả chẩn đoán, điều trị, tạo niềm tin cho người dân vào chất lượng dịch vụ y tế của Bệnh viện Bãi Cháy. 

Theo thời gian, sự phát triển của công nghệ và các kỹ thuật y khoa hiện đại đã mở rộng chức năng của chẩn đoán hình ảnh. Không giới hạn ở chuyên ngành cận lâm sàng hỗ trợ chẩn đoán bệnh, các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh đã có thể thực hiện các các phương pháp điện quang can thiệp với ưu điểm ít xâm lấn mang lại hiệu quả điều trị cao, giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe nhanh chóng. Đây cũng là một trong những xu thế phát triển chủ đạo của y học hiện đại. 

Trên cương vị là Trưởng Khoa, Bác sĩ Đoàn Thị Huệ đã đoàn kết, đồng lòng cùng các đồng nghiệp trong Khoa Chẩn đoán hình ảnh tích cực học tập, cập nhật kiến thức chuyên ngành từ các tài liệu trong nước và quốc tế, tham gia đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn chẩn đoán hình ảnh và điện quang can thiệp từ các bệnh viện đầu ngành trong nước. Nhờ đó, đến nay, các bác sĩ Khoa Chẩn đoán hình ảnh đã triển khai thành công nhiều can thiệp tối thiểu hiện đại để điều trị cho người bệnh như: Nút mạch điều trị các khối u gan, nút mạch cầm máu trong chấn thương tạng, nút mạch điều trị ho ra máu, nút mạch và đốt u gan, u tuyến giáp bằng vi sóng....

Nhiều năm công tác trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, Bác sĩ Đoàn Thị Huệ thấu hiểu những khó khăn mà các nữ bác sĩ phải trải qua khi quyết tâm lựa chọn, gắn bó với công việc này. Bác sĩ Đoàn Thị Huệ - Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh và điện quang can thiệp cho biết: “Đây là một chuyên ngành rất rộng vì gồm nhiều kỹ thuật như siêu âm, Xquang, Cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ, điện quang can thiệp... Do vậy để thực hiện được tất cả các kỹ thuật chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh, một bác sĩ cần được học tập, đào tạo, tích lũy kinh nghiệm trong khoảng thời gian rất dài. Các kỹ thuật, công nghệ ngày càng phát triển nên mỗi bác sĩ cần phải cập nhật kiến thức thường xuyên, liên tục. Đây cũng là một hạn chế đối với bác sĩ nữ khi có gia đình.

Lĩnh vực công tác liên quan đến tia X là một loại bức xạ có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe nếu tiếp xúc trong thời gian dài, đặc biệt đối với thai nhi. Do vậy, bác sĩ nữ sẽ bị hạn chế làm việc trong quá trình mang thai và nuôi con nhỏ. Đặc biệt đối với mảng chẩn đoán hình ảnh can thiệp các bác sĩ nữ cũng có nhiều hạn chế khi thực hiện các kỹ thuật này”.

Gác lại những khó khăn, gian nan của nghề bác sĩ khi thường xuyên phải đi sớm, về muộn, làm việc bất cứ thời gian nào trong các kỳ nghỉ, lễ Tết. Tình yêu nghề cùng tâm niệm “Để người dân Quảng Ninh được tiếp cận với các  kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh tiên tiến ít xâm lấn, đem lại hiệu quả cao trong chẩn đoán bệnh và điều trị” là động lực lớn nhất để các bác sĩ Huệ cùng các đồng nghiệp Khoa chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Bãi Cháy nỗ lực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn và lao động nhiệt huyết, hăng say.

Nữ bác sĩ tiêu biểu cho phong trào nghiên cứu khoa học tại Bệnh viện Bãi Cháy

Đối với Bác sĩ Đoàn Thị Huệ, nghiên cứu các sáng kiến, đề tài khoa học vừa là niềm yêu thích, vừa phục vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển, hoàn thiện chuyên môn chẩn đoán hình ảnh. Trong thời gian công tác tại Bệnh viện Bãi Cháy, bác sĩ Huệ đã tham gia gần 10 đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ các cấp. Trong đó, bác sĩ Huệ dành nhiều tâm huyết nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật can thiệp ít xâm lấn tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý tuyến vú. Tiêu biểu như đề tài cấp cơ sở “Nhận xét kết quả phương pháp tiêm cồn tuyệt đối dưới hướng dẫn của siêu âm trong điều trị nang tuyến vú lành tính tại bệnh viện Bãi Cháy” (năm 2021). 


Đối với Bác sĩ Đoàn Thị Huệ, nghiên cứu các sáng kiến, đề tài khoa học vừa là niềm yêu thích, vừa phục vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển, hoàn thiện chuyên môn chẩn đoán hình ảnh

Chia sẻ về đề tài này, bác sĩ Huệ cho biết: “Nang tuyến vú là bệnh lý khá phổ biến ở phụ nữ, một số nang có thể gây đau, ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Trước đây, các nang thường được điều trị bằng chọc hút đơn thuần tuy nhiên dễ tái phát.  Để loại bỏ hoàn toàn nang thì phẫu thuật là phương pháp duy nhất. 

Phương pháp tiêm cồn tuyệt đối dưới hướng dẫn của siêu âm có thể làm nang teo hoàn toàn, gần như không tái phát, giá trị tương đương với phẫu thuật. Đây là phương pháp thực hiện đơn giản, chi phí thấp mang lại hiệu quả cao cho người bệnh. Tuy nhiên, phương pháp này ít được thực hiện tại Việt Nam và lần đầu tiên thực hiện tại Quảng Ninh. Do vậy, nhóm nghiên cứu cũng phải tư vấn kỹ để người bệnh biết được lợi ích và lựa chọn điều trị”.

Ngoài tổn thương dạng nang tuyến vú, các bệnh lý tuyến vú lành tính khác bao gồm: u xơ tuyến ú, u phylodes, u mỡ, u nhú nội ống... có thể gây đau tức, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hoặc làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú sau này đối với chị em phụ nữ. 

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn điều trị hiệu quả u vú lành tính bằng can thiệp tối thiểu, hiệu quả, an toàn, giúp bệnh nhân không phải trải quả phẫu thuật. Mới đây, bác sĩ Đoàn Thị Huệ và nhóm nghiên cứu đang triển khai nghiên cứu đề tài cấp tỉnh  “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật cắt hút chân không bằng kim lớn trong điều trị u tuyến vú lành tính tại bệnh viện Bãi Cháy”. Đề tài sẽ thực hiện trong 18 tháng (từ năm 2024 – 2025) trên 50 đối tượng bệnh nhân lựa chọn nghiên cứu kể từ thời điểm triển khai. 



BSCKII. Đoàn Thị Huệ - Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Bãi Cháy trình bày tóm tắt thuyết minh đề tài: "Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh thiết vú có hỗ trợ hút chân không trong điều trị tuyến vú lành tính tại Bệnh viện Bãi Cháy” trước Hội đồng tư vấn tuyển chọn và giao trực tiếp nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh

Chia sẻ về tính mới cùng giá trị lợi ích của đề tài cấp tỉnh này, Bác sĩ Đoàn Thị Huệ - Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh cho biết: “Trước đây để loại bỏ những khối u vú lành tính thì phẫu thuật là lựa chọn duy nhất. Với sự phát triển của các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, kỹ thuật cắt hút chân không bằng kim lớn loại bỏ được hoàn toàn u tuyến vú lành tính dưới hướng dẫn của siêu âm mà người bệnh không cần phải phẫu thuật. Đây là một thủ thuật thực hiện trong thời gian ngắn, an toàn, người bệnh không cần nằm viện, có thể sớm trở lại sinh hoạt, làm việc, ít tổn thương nhu mô tuyến vú lành, không để lại sẹo. 

Đây là kỹ thuật mới tại Việt Nam và lần đầu tiên được thực hiện tại tỉnh Quảng Ninh. Do vậy nhiều người bệnh chưa biết đến phương pháp điều trị này. Điều này đặt ra yêu cầu bác sĩ chẩn đoán hình ảnh phải tư vấn kỹ cho người bệnh những lợi ích của kỹ thuật này so với phẫu thuật để lựa chọn phương pháp điều trị tối ưu nhất.”

Mỗi ngày, chứng kiến những ca bệnh nhân nguy kịch được hồi sinh sự sống nhờ phát hiện sớm bệnh lý và can thiệp điều trị hiệu quả lại tiếp thêm niềm vui, nuôi dưỡng “lửa nghề” cho những bác sĩ chẩn đoán hình ảnh như bác sĩ Đoàn Thị Huệ. 


Bác sĩ Đoàn Thị Huệ vinh dự được trao tặng Bằng khen của UBND tỉnh Quảng Ninh năm 2023

Nhiều năm liền cống hiến, bác sĩ Huệ vinh dự được trao tặng danh hiệu thi đua như: chiến sĩ thi đua cấp cơ sở (các năm 2015, 2017, 2020, 2021, 2022, 2023), Bằng khen của UBND tỉnh Quảng Ninh (năm 2021, 2023). Đây là sự ghi nhận đáng quý trên hành trình chăm sóc sức khỏe nhân dân đồng thời cũng là động lực để bác sĩ Đoàn Thị Huệ nỗ lực phấn đấu trau dồi y đức, kỹ năng chuyên môn, đóng góp thêm nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị thực tiễn cao, vượt qua mọi khó khăn, thách thức dành trọn tâm huyết với nghề.

Mạc Thảo