Bệnh bạch hầu có xu hướng dịch chuyển sang người lớn: Nguyên nhân vì sao?
Suckhoedoisong.vn - Qua điều tra kết quả tiêm chủng của các trường hợp mắc bệnh bạch hầu cho thấy, hầu hết các ca mắc là những trường hợp không tiêm hoặc tiêm không đủ mũi vắc xin phòng bệnh; trong đó có những trường hợp đã tiêm 3-4 mũi những vẫn mắc bệnh. Lý do là các trường hợp này sau một thời gian, miễn dịch đã giảm xuống.
Hầu hết các ca mắc bạch hầu là những trường hợp không tiêm hoặc tiêm không đủ mũi vắc xin
Trao đổi về tình hình bệnh bạch hầu đang có nguy cơ bùng phát trở lại, TS. Đặng Thị Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng Chương trình Tiêm chủng Quốc gia cho biết, tính đến hiện tại, trên cả nước đã ghi nhận 16 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, chủ yếu ở Đắk Nông, một số ca lẻ tẻ ở Kon Tum (1 trường hợp), ở TP. Hồ Chí Minh (1 trường hợp).
Dự kiến trong năm nay, chắc chắn sẽ còn ghi nhận các ca bệnh bạch hầu lẻ tẻ ở các địa phương chứ không chỉ dừng lại ở con số mắc hiện nay. Hầu hết những người mắc bệnh là trẻ trên 10 tuổi và người lớn.
Thời gian gần đây bệnh bạch đã có dấu hiệu tăng lên; riêng trong năm 2019, Việt Nam cũng đã ghi nhận 50 trường hợp mắc bệnh bạch hầu ở 7 tỉnh, thành.
TS Thanh Huyền cho biết, qua điều tra kết quả tiêm chủng của các trường hợp mắc bệnh bạch hầu cho thấy, hầu hết các ca mắc là những trường hợp không tiêm hoặc tiêm không đủ mũi vắc xin phòng bệnh; trong đó có những trường hợp đã tiêm 3-4 mũi những vẫn mắc bệnh. Lý do là các trường hợp này sau một thời gian, miễn dịch đã giảm xuống.
“Năm 2019 tỷ lệ tiêm chủng vắc xin 5 trong 1 (có chứa thành phần bạch hầu) bị ảnh hưởng và nhóm những người ở độ tuổi lớn có thể chưa tiêm vắc xin trước đây hoặc đã tiêm nhưng quá lâu nên khả năng miễn dịch đã giảm xuống. Vì vậy tỷ lệ mắc bệnh ở những người lớn đang có dấu hiệu tăng lên"- TS. Đặng Thị Thanh Huyền lý giải.
Khu vực ổ dịch bạch hầu ở tỉnh Đăk Nông
Theo đó, qua điều tra các trường hợp mắc bệnh bạch hầu vừa qua ở Đắk Nông cho thấy, bệnh đã xuất hiện ở nhiều trường hợp trẻ trong độ tuổi vừa bước qua tuổi tiêm chủng mũi bạch hầu. Trong khi đó, nếu những trẻ này được tiêm chủng chắc chắc sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh.
Khuyến cáo từ chuyên gia
Trước tình hình bệnh có dấu hiệu đang tăng và dịch chuyển sang đối tượng trẻ lớn và người lớn, từ năm 2019, chương trình Tiêm chủng mở rộng đã có định hướng triển khai tiêm nhắc vắc xin bạch hầu, vắc xin chứa thành phần bạch hầu cho trẻ lớn và người lớn để mở rộng hàng rào miễn dịch cộng đồng.
Hiện Việt Nam có vắc xin uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td) phòng bệnh bạch hầu, tiêm cho trẻ lớn vào lúc 7 tuổi có thể giúp tăng đối tượng tiêm nhắc lại phòng bệnh.
Đánh giá tình hình bệnh bạch hầu ở Kon Tum giai đoạn năm 2016- 2017 cho thấy, có tới gần 50% các trường hợp từ 6- 25 tuổi không có miễn dịch phòng bệnh; thậm chí nhiều trẻ đã không còn miễn dịch. Tuy nhiên, sau khi tiêm được tiêm 1 liều vắc xin Td thì đã có đến 95,4% các trẻ này có miễn dịch, nghĩa là một nửa số đó đã được “an toàn” với bệnh bạch hầu sau khi tiêm.
Với những trường hợp mắc bệnh ghi nhận tại các địa phương trong thời gian gần đây; nhất là các ổ dịch ghi nhận gần đây tại Đắk Nông cho thấy, việc tiêm chủng cần phải được duy trì, nhất là mầm bệnh có thể tiềm ẩn trong nhóm đối tượng người lớn sẽ không có cơ hội bùng phát bệnh ở trẻ; góp phần khống chế bệnh.
Theo TS. Đặng Thị Thanh Huyền, hiện Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo người dân cần tiêm đủ 5 mũi phòng bệnh bạch hầu để đảm bảo hiệu quả miễn dịch, thậm chí nhiều quốc gia còn khuyến cáo tiêm 6 mũi, một số quốc gia cứ 10 năm lại tiêm nhắc lại 1 mũi để đảm bảo phòng bệnh. Vì vậy, để khống chế dịch bạch hầu một cách triệt để, trong đó có đối tượng người lớn càng ngày miễn dịch càng giảm xuống, lịch tiêm chủng cần có những điều chỉnh cho phù hợp.
Việc tiêm nhắc lại cho trẻ lớn (giai đoạn 7 tuổi) cũng như tiêm vắc xin cho người lớn là rất quan trọng; cần cho người dân hiểu việc đi tiêm vắc xin là những biện pháp đảm bảo đầy đủ để khống chế được tốt bệnh bạch hầu trong thời gian tới.
Nguồn: Suckhoedoisong