Cẩn trọng Cúm A tăng thời điểm giao mùa, phát hiện sớm để phòng ngừa biến chứng
Đang vào đợt giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường khiến sức đề kháng suy giảm dễ bị các loại virus gây bệnh xâm nhập, trong đó có cúm A – một trong những căn bệnh thường tấn công sức khỏe người cao tuổi, trẻ nhỏ.
Ghi nhận tại Khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy đang tiếp nhận điều trị cho 37 bệnh nhân, trong đó bệnh nhân mắc cúm A chiếm tỷ lệ 35% chưa kể những trường hợp nhẹ được điều trị ngoại trú.
Tại khoa Nhi, bệnh viện Bãi Cháy ghi nhận số lượng trẻ mắc cúm A tăng. Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Trần Văn San, Phó Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Cúm A so với các cúm thông thường khác có biểu hiện là sốt cao, đặc biệt làm đáp ứng kém vấn đề hạ sốt ở trẻ nhỏ và có những triệu chứng ho, chảy mũi nhiều. Cúm A thì có tỉ lệ nhỏ những bạn hay gây nên tình trạng biến chứng như biến chứng viêm phổi, viêm phế quản, còn trẻ nhỏ hơn có thể có biến chứng về viêm tai giữa. Trong thời gian gần đây tình trạng nhập viện vì cúm A cũng tương đối nhiều. Hiện tại phòng khám cũng thế, tỉ lệ cúm A mà chúng tôi sàng lọc cũng có tỉ lệ tăng cao trong thời gian gần đây. Nên chúng ta cần phải sàng lọc kỹ những vấn đề và có sàng lọc tốt khi trẻ có những triệu chứng về sốt, ho, chảy mũi trong giai đoạn này.”
Cúm A là bệnh vi rút cấp tính do vi rút cúm mùa gây nên, bệnh có thể trở nên nghiêm trọng ở trẻ nhỏ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hiện nay do số lượng người mắc cúm A tăng cao dẫn đến tình trạng giá thành một số loại thuốc đặc trị cũng tăng cao, trong đó có Tamiflu. Đây là loại thuốc kháng vi rút, ức chế làm cho vi rút không nhân lên chứ không có tác dụng triệt để trong việc diệt vi rút. Do đó, Tamiflu hiện nay chủ yếu sử dụng đối với bệnh nhân mắc cúm nặng hoặc đối tượng có nguy cơ bệnh tiến triển nặng. Với những người không có bệnh lý nền, khoẻ mạnh, khi mắc cúm triệu chứng nhẹ, việc dùng Tamiflu là không cần thiết. Bên cạnh đó, sử dụng Tamiflu không đúng cách sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc hoặc làm tăng sự xuất hiện của virus kháng thuốc, làm mất khả năng điều trị cúm khi bệnh nhân tiến triển nặng.
Cúm cũng như các vi rút đường hô hấp khác thường sẽ tự khỏi, chủ yếu chỉ cần điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm viêm và nghỉ ngơi. Những trường hợp nhẹ có thể điều trị ở nhà. Chỉ những trường hợp nặng và những trường hợp có thể trạng đặc biệt như người trên 65 tuổi, trẻ em dưới 2 tuổi, các bệnh nhân có các bệnh mạn tính như tim mạch, hen suyễn, bệnh phổi…thì cần phải lưu ý khám bác sĩ và nhập viện nếu bác sĩ yêu cầu. Bên cạnh đó, nếu các triệu chứng kéo dài hơn 1 tuần thì người bệnh cũng không nên chủ quan tự mua thuốc điều trị mà cần đến bệnh viện có bác sĩ chuyên khoa thăm khám để tránh những biến chứng nghiêm trọng do bệnh gây ra.
Cúm A thường lây lan với tốc độ nhanh đặc biệt là với người lớn và trẻ nhỏ chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh. Trước tình trạng bệnh nhân mắc cúm A tăng cao thời điểm này, để chủ động phòng ngừa bệnh, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra đường, tránh đám đông lớn, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, khi bị sốt thì ở nhà ít nhất 24 giờ sau khi hết để tránh lây nhiễm cho người khác.
Nếu có các triệu chứng sốt cao, ho, sổ mũi, đau đầu, đau cơ mệt mỏi người bệnh nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước. Khi các triệu chứng này kéo dài, không nên chủ quan mà nên đến cơ sở y tế để khám bệnh.
Người được cơ sở y tế xác định mắc cúm A nên nghỉ ngơi, đeo khẩu trang, hạn chế đến nơi đông người để tránh virut lây bệnh sang những người xung quanh. Ngoài ra, cách tốt nhất để phòng ngừa cúm A là thực hiện tiêm vắc xin cúm hàng năm. Mỗi mũi tiêm phòng cúm có thể chống lại 3-4 loại vi rút cúm khác nhau trong mùa cúm năm đó. Các đối tượng nguy cơ cao cần được tiêm vắc-xin cúm hàng năm vào trước mùa dịch, trước tiên là người cao tuổi và trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi, đặc biệt từ 6 tháng đến 2 tuổi.
Mạc Thảo