Sáng 9/12: Gần 70 ca COVID-19 nặng thở oxy, thở máy; Bộ Y tế bãi bỏ 5 văn bản quy phạm pháp luật
Thống kê của
Bộ Y tế cho thấy số ca mắc mới COVID-19 và bệnh nhân COVID-19 nặng gia tăng;
Việt Nam đã tiêm hơn 264,8 triệu liều vaccine COVID-19, tuy nhiên vẫn có nhiều
địa phương tiêm chậm; Bộ Y tế bãi bỏ 5 văn bản quy phạm pháp luật; Hà Nội bước
đầu kiểm soát được mất cân bằng giới tính khi sinh...
Ca mắc mới
và bệnh nhân COVID-19 nặng đều tăng
Bộ Y tế cho
biết có 528 ca mắc
COVID-19 trong ngày 8/12, đây là số ca mắc mới cao nhất trong 6 ngày qua.
Những ngày trước đó, số ca mắc mới ở mức dưới 500 ca, trong đó ngày 4/12 ghi
nhận thấp với 204 ca mới.
Kể từ đầu dịch đến
nay Việt Nam có 11.519.539 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ,
trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia
và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.414 ca nhiễm).
Đến nay, tổng số người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi: 10.609.370 trường hợp; trong số hơn 850 nghìn trường hợp đang theo dõi, giám sát có 69 bệnh nhân nặng đang thở oxy, thở máy, gồm: Thở oxy qua mặt nạ: 61 ca; Thở oxy dòng cao HFNC: 2 ca. Thở máy xâm lấn: 6 ca. Ngày 8/12, bệnh nhân nặng cũng gia tăng so với ngày trước đó.
Hiện có gần 70 bệnh nhân COVID-19
nặng đang thở oxy, thở máy.
Bộ Y tế yêu cầu cơ quan chuyên môn
tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến
chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cập nhật
thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng.
Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc,
hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4
cho người từ 12 tuổi trở lên và tăng cường tiêm chủng phòng COVID-19 cho trẻ em
theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn,
khoa học, hiệu quả. Đến nay Việt Nam đã tiêm hơn 264,8 triệu liều vaccine
COVID-19, tuy nhiên vẫn có nhiều địa phương tiêm chậm các mũi 3 cho người từ
12- 17 tuổi và người trên 18 tuổi, mũi 1 và 2 cho trẻ từ 5 - dưới 13 tuổi.
Bộ Y
tế bãi bỏ 5 văn bản quy phạm pháp luật
Theo Thông tư số 14/2022/TT-BYT do Bộ Y tế vừa ban hành, Bộ đã bãi bỏ toàn bộ 5 văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, Liên tịch ban hành, bao gồm:
1. Quyết định số 36/2006/QĐ-BYT ngày 14/11/2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành "Quy định về thử nghiệm lâm sàng trang thiết bị y tế".
2. Quyết định số 19/2008/QĐ-BYT ngày 30/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy chế làm việc của Bộ Y tế.
3. Quyết định số 38/2008/QĐ-BYT ngày 11/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành "Quy định mức giới hạn tối đa của melamine nhiễm chéo trong thực phẩm."
4. Thông tư số 09/2013/TT-BYT ngày 29/3/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn việc tổ chức, quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế về y tế tại Việt Nam.
5. Thông tư liên tịch số 48/2014/TTLT-BYT-BTNMT ngày 22/2/2014 của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với cơ sở y tế.
Với Thông tư số
26/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về danh mục thuốc
hiếm, bãi bỏ Điều 9 và cụm từ "và cập nhật Quyết định sửa đổi, bổ sung
Danh mục thuốc hiếm trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế và Trang thông tin
điện tử của Cục Quản lý Dược trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Y
tế ký quyết định" tại Khoản 1 Điều 10.
Thông tư 14/2022/TT-BYT có hiệu lực
từ ngày 1/2/2023.
Hà
Nội bước đầu kiểm soát được mất cân bằng giới tính khi sinh
Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với UBND
huyện Mỹ Đức tổ chức lễ phát động Tháng hành động quốc gia về dân số và kỷ
niệm Ngày Dân số Việt Nam (26/12) với chủ đề "Nâng cao chất lượng dân
số để góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững".
Theo thông tin được đưa ra
tại lễ phát động diễn ra ngày 8/12, từ năm 1961 đến nay, dân số Việt Nam tăng
gấp hơn ba lần, từ 30,2 triệu lên 96,2 triệu người, thấp hơn nhiều so với các
dự báo trước đây. Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã từ
6,3 con giảm xuống còn 2,09 con. Tỷ lệ tăng dân số giảm từ 3,5% xuống 1,04%.
Cùng với cả nước, công tác
dân số của Thủ đô đã đạt được những thành tựu đáng kể. Cụ thể, tính đến hết năm
2022, dự kiến dân số trung bình đạt khoảng 8,4 triệu người (chiếm khoảng 8,4%
dân số cả nước). Ngoài ra, toàn thành phố đã đạt mức sinh thay thế, số con bình
quân/một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 2,1 con. Đặc biệt, thành phố đã bước
đầu kiểm soát được mất cân bằng giới tính khi sinh; tỷ số giới tính khi sinh
(số trẻ trai/100 trẻ gái) năm 2022 ước đạt 112,5 trẻ trai/100 trẻ gái.
Bên cạnh đó, chất lượng
dân số Thủ đô cũng từng bước được nâng cao. Cụ thể, năm 2022, tỷ lệ sàng lọc
trước sinh toàn thành phố ước đạt 82%, tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 86%.
Ông Vũ Cao Cương, Phó Giám
đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, thời gian qua, công tác dân số trên địa bàn Thủ đô
đã đạt được những kết quả quan trọng, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh
tế - xã hội chung của thành phố. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, công tác
dân số đang đứng trước những khó khăn, thách thức mới.
Do quy mô dân số lớn, địa
bàn dân cư rộng. Tỷ lệ sinh con thứ ba có giảm nhưng chưa ổn định, chất lượng dân
số còn chưa tương xứng với tiềm năng của Thủ đô. Thêm vào đó, tỷ số giới tính khi sinh của thành phố có
xu hướng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao… Mặt khác, già hóa dân số đang là một
thách thức lớn của Hà Nội đòi hỏi phải có một kế hoạch chủ động ứng phó và
những chính sách phù hợp nhằm bảo đảm tốt hơn sức khỏe, an sinh xã hội và quyền
lợi của người cao tuổi...
Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới
hơn 651,7 triệu ca, trên 6,6 triệu ca tử vong.
Theo báo cáo dịch tễ của Tổ chức y tế
thế giới (WHO) mới nhất cho biết, trong tuần qua khu vực Tây Thái Bình Dương
ghi nhận 1.335.908 ca COVID-19 mới, chiếm 45% số ca được báo cáo trên toàn cầu.
Tuy vẫn xếp đầu bảng về số ca mới
nhưng con số này đã giảm tận 10% so với tuần lễ mới. Đây là lần đầu tiên số ca
COVID-19 mới ở Tây Thái Bình Dương giảm rõ rệt sau đà tăng nối tiếp gần 2
tháng. Số ca tử vong cũng giảm 5%, còn 2006 ca. Số ca cao nhất khu vực này là
Nhật Bản (749.895 ca), Hàn Quốc (370.574 ca).
Tại Trung Quốc, ngày 7/12 có ban hành
kế hoạch 10 điểm nhằm "tối ưu hóa" nỗ lực ứng phó với đại dịch
COVID-19, cân bằng giữa kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế xã hội. Một
nội dung trong đó là việc cho phép những người mắc COVID-19 không triệu chứng
hoặc triệu chứng nhẹ được cách ly tại nhà. Kế hoạch mới lưu ý rằng người cách
ly tại nhà cần tăng cường theo dõi sức khỏe và nếu tình trạng diễn biến nặng sẽ
được chuyển đến cơ sở y tế chỉ định để điều trị kịp thời.