Sáng 21/11: Hơn 100 ca COVID-19 đang thở oxy, thở máy; TP HCM tăng cường tiêm vaccine
Theo thống kê của Bộ Y tế đến nay hơn 10,6 triệu người mắc COVID-19 tại Việt Nam đã khỏi; hiện 107 bệnh nhân nặng đang điều trị, cao nhất từ trước đến nay; TP HCM yêu cầu tăng cường tiêm vaccine phòng COVID-19 trong 2 tuần cuối tháng 11/2022...
Bệnh nhân COVID-19 nặng tăng cao nhất từ đầu tháng 11 đến nay
Bộ Y tế cho biết ngày 20/11 có 274 ca mắc COVID-19 mới, đây là ngày thứ 5 trong tháng 11 tính đến thời điểm này, số ca mắc mới COVID-19 ở con số dưới 300. Ngày 20/11 cũng là ngày có số bệnh nhân nặng cao nhất từ đầu tháng 11 đến nay với 107 trường hợp đang điều trị, gấp đôi ngày trước đó (những ngày qua, số bệnh nhân nặng thường chỉ dao động trong khoảng từ 50- gần 70 trường hợp/ ngày)
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.511.452 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.332 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 10.606.901 người; trong số hơn 850 nghìn trường hợp đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở ô xy là 107 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 63 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 21 ca; Thở máy không xâm lấn: 2 ca; Thở máy xâm lấn: 21 ca.
Đến nay hơn 10.6 triệu người mắc COVID-19 tại Việt Nam đã khỏi
Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19.
Tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và triển khai Chương trình tiếp tục phối hợp tăng cường triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, học sinh.
UBND TP HCM yêu cầu tăng cường tiêm vaccine phòng COVID-19 trong 2 tuần cuối tháng 11/2022
UBND TPHCM vừa có công văn gửi sở, ban, ngành TP; UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức về tiếp tục triển khai đợt tăng cường tiêm vaccine phòng COVID-19 trong 2 tuần cuối tháng 11/2022.
Theo đó, UBND TPHCM giao Sở Y tế đảm bảo cung ứng nguồn vaccine, nhân sự tham gia các đội tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Chỉ đạo Trung tâm Cấp cứu 115 hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương bố trí xe cấp cứu với đầy đủ phương tiện, trang thiết bị, thuốc cấp cứu theo đúng cơ số quy định; kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo việc cấp cứu tại các điểm tiêm lưu động trên địa bàn.
Cùng với đó, chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh sẵn sàng hướng dẫn hoặc tiếp nhận xử trí kịp thời khi có trường hợp phản ứng sau tiêm vaccine liên hệ hoặc trực tiếp đến cơ sở; báo cáo đầy đủ thông tin tình hình tiếp nhận, xử trí các trường hợp sự cố bất lợi sau tiêm tại cơ sở theo quy định.
Tiếp tục chỉ đạo Bệnh viện đa khoa TP, bệnh viện chuyên khoa sản, nhi, bệnh viện quận, huyện, trung tâm y tế, trạm y tế phải duy trì tổ chức điểm tiêm cố định tại cơ sở để tiêm cho người dân trên địa bàn bao gồm người lớn và trẻ em, kể cả thứ bảy, chủ nhật.
UBND TP yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân bằng nhiều hình thức khác nhau; đồng thời công khai lịch tiêm vaccine phòng COVID-19 hằng ngày trên trang tin điện tử của ngành nhằm tăng cường vận động người dân và phụ huynh đưa trẻ trong độ tuổi tiêm chủng đến các điểm tiêm.
TP HCM hiện vẫn có tên trong danh sách những địa phương tiêm chậm mũi 3 cho trẻ từ 12-17 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi.
Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 642,9 triệu ca, trên 6,6 triệu ca tử vong.
Báo cáo từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), cảnh báo cặp đôi BQ.1 và BQ.1.1 đã chiếm tới 49,7% trình tự gien SARS-CoV-2 được giải mã giám sát ở nước này trong tuần vừa qua.
Đây là mức tăng nhanh so với con số 39,5% trong tuần trước. BQ.1 và BQ.1.1 được cho là chỉ mới xuất hiện ở Mỹ cách đây 2 tháng. Trong đó, BQ.1.1 gây chú ý vì tuy xuất hiện sau nhưng đã chiếm tỉ lệ ngang ngửa với BQ.1. BQ.1.1 chiếm 24,2% , trong khi BQ.1 chiếm 25,5% các ca bệnh đang lưu hành tại Mỹ.
Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Sydney và Viện Centenary của Australia đã phát triển một loại vaccine dạng nhỏ mũi có thể giúp cơ thể tăng cường khả năng bảo vệ trước virus gây bệnh COVID-19 và giảm thiểu sự lây truyền của virus.
Báo cáo kết quả thử nghiệm tiền lâm sàng đối với loại vaccine mới này đã được công bố trên tạp chí Nature Communications.
Theo SKĐS