Nhiều ca mắc sốt xuất huyết ở Khánh Hòa, chuyên gia hướng dẫn cách diệt lăng quăng
Nhiều ca mắc sốt xuất huyết ở Khánh Hòa dưới 15 tuổi, chuyên gia phòng dịch Tôn Thất Toàn, Phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa chỉ cách phụ huynh, nhà trường dạy học sinh cách diệt lăng quăng để phòng bệnh.
Diệt lăng quăng, bọ gậy có tác dụng trong phòng bệnh sốt xuất huyết
Nhiều năm gắn bó với công tác phòng, chống sốt xuất huyết ở Khánh Hòa, bác sĩ Tôn Thất Toàn khẳng định: "Cho đến nay, giải pháp quan trọng nhất để phòng bệnh sốt xuất huyết là diệt lăng quăng, bọ gây. Chúng tôi liên tục triển khai các chiến dịch phun hóa chất, diệt lăng quăng đến tận các thôn, tổ dân phố tại Khánh Hòa".
Đặc biệt, trước thềm năm học mới, bác sĩ Toàn cho biết, các trường học, phụ huynh cần dạy học sinh cách diệt lăng quăng, bọ gậy. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa đã và sẽ hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho các thầy cô giáo, nhà trường. Sau đó, các thầy cô giáo bắt buộc phải hướng dẫn cho học sinh cách dọn vệ sinh trong lớp sạch sẽ để không có chỗ cho muỗi trú ngụ.
Đồng thời, dạy các em học sinh thấy chai, hũ, lọ, hộp sữa, bát sành vỡ... có chứa nước trong khuôn viên trường học thì nhặt hoặc dùng dụng cụ hốt bỏ vào thùng rác. Đồng thời, lý giải cho các em hiểu, những dụng cụ này tiềm ẩn nguy cơ trở thành ổ lăng quăng, bọ gậy gây bệnh sốt xuất huyết.
Theo đánh giá của bác sĩ Tôn Thất Toàn, khi dạy học sinh tự tay mình dọn rác, chỉ cho các em thấy rõ những con lăng quăng, bọ gậy rồi phân tích cho các em hiểu chúng gây bệnh sốt xuất huyết ra sao thì các em rất dễ tiếp thu. Từ đó, học sinh sẽ hình thành thói quen để ý đến dụng cụ chứa nước, vũng nước tù đọng có lăng quăng, nếu các em không xử lý được thì báo với thầy cô giáo, nhà trường.
Bác sĩ Toàn cũng khuyến cáo, trong thời gian học sinh không ở trường, các phụ huynh tập cho các em thói quen đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước trong nhà, quanh nơi sinh sống để muỗi không vào đẻ trứng. Đối với học sinh cấp 2 trở lên thì dạy các em cách rửa lu, chum, xô chậu ít nhất 1 lần/tuần bằng xà phòng.
Phụ huynh cũng cần dạy học sinh cách kiểm tra các chậu hoa, chậu cây cảnh xem có đọng nước, có lá mục hay không vì đó có thể là nơi trú ngụ của muỗi gây bệnh sốt xuất huyết.
Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, dọn dẹp ống bơ, vỏ dừa, lốp vỏ xe cũ… quanh nhà. Khi đi ngủ thì buộc phải ngủ trong màn, kể cả ban ngày để đề phòng muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.
Ca sốt xuất huyết sẽ tăng nếu không quyết liệt phòng bệnh
Thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, từ đầu năm đến hết ngày 20/8, toàn tỉnh này có 1.612 ca mắc sốt xuất huyết, không có trường hợp nào tử vong. Tổng cộng đã có 74 ổ dịch sốt xuất huyết được xử lý kịp thời. Có 42 bệnh nhân sốt xuất huyết nặng đã được cứu chữa (trong đó, trẻ dưới 15 tuổi là 21 bệnh nhân, trên 15 tuổi là 21 bệnh nhân).
Nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa (bên trái) phát tờ rơi hướng dẫn người dân phòng sốt xuất huyết.
Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa nhận định, những tháng tiếp theo nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống thì số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục tăng.
"Thời tiết ở Khánh Hòa hiện nay thường xuất hiện những cơn mưa xen kẽ với ngày nắng nóng làm phát sinh đọng nước ở nhiều dụng cụ khiến bọ gậy sinh sôi, tiềm ẩn nguy cơ bệnh sốt xuất huyết. Vậy nên, từng thôn, tổ dân phố phải tuân thủ các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết theo hướng dẫn của ngành y tế. Đối với việc huy động, huấn luyện học sinh tham gia diệt bọ gậy, triệt tiêu nơi trú ngụ của muỗi phải làm thường xuyên, kiên trì thì mới đạt hiệu quả vì các em chưa có nhiều kinh nghiệm", bác sĩ Tôn Thất Toàn cho biết.
Theo SKĐS