Sáng 1/2: Tròn 1 tháng Việt Nam không ghi nhận ca COVID-19 tử vong
Theo thống kê của Bộ Y tế, tháng 1/2023 cả nước
ghi nhận gần 1.300 ca mắc COVID-19, giảm mạnh so với thời gian trước đó; Trong
tháng 1/2023, Việt Nam không ghi nhận bệnh nhân COVID-19 tử vong...
Cả tháng chỉ ghi nhận gần 1.300 ca mắc
COVID-19
Bộ Y tế cho biết ngày 31/1 có 36 ca mắc COVID-19 mới, giảm nhẹ so với
ngày trước đó. Đây là ngày thứ 2 trong vòng 2 tuần qua có số ca mắc cao. Trong
ngày có 15 bệnh nhân khỏi.
Tổng số ca mắc COVID-19 trong tháng 1/2023 là
gần 1.300 ca, trong đó ngày có số mắc cao nhất là 88 ca (12/1), ngày có số ca mắc
thấp nhất là 3 ca (ngày 23/1). Trung bình khoảng hơn 40 ca/ ngày. So với cùng kỳ
năm 2022, số mắc mới của cả tháng 1/2023 không bằng 1 ngày của tháng 1/2022.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.526.497 ca mắc COVID-19, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.484 ca nhiễm).
Tổng số ca mắc COVID-19 trong tháng 1/2023 là gần 1.300 ca
Tròn 1 tháng không ghi nhận ca tử vong do
COVID-19
Số ca mắc mới giảm nên số bệnh nhân nặng phải
thở máy, oxy cũng giảm trong tháng 1/2023. Có thời điểm cả nước không còn bệnh
nhân COVID-19 nặng, hoặc có những ngày chỉ có 1-2 bệnh nhân nặng.
Trong tháng 1/2023 cả nước không ghi nhận trường
hợp bệnh nhân COVID-19 nào tử vong. Đến nay, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến
nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh
thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ
trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3
ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á
(xếp thứ 3 ASEAN).
Theo Bộ Y tế, hiện nay tình hình dịch
COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, các biến thể mới liên tục được
ghi nhận, trong đó biến thể XBB với khả năng tránh miễn dịch và lây lan nhanh
đã xuất hiện ở 70 quốc gia.
Cùng đó, theo đánh giá và nhận định của Tổ chức
Y tế thế giới (WHO), dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường, khó dự đoán, nhất
là sự xuất hiện của các biến chủng mới.
Do vậy, Bộ Y tế vẫn tiếp tục tập trung phòng,
chống, kiểm soát dịch bệnh. Phòng, chống dịch COVID-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu;
không để dịch COVID-19 bùng phát trở lại, không để "dịch chồng dịch".
Nâng cao năng lực phân tích, dự báo; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án
đáp ứng hiệu quả với dịch bệnh...
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca tử
vong quá cao - hơn 170.000 ca trong 8 tuần qua, trong đó con số của tuần ngay
trước phiên họp lên tới 40.000 - cùng nhiều yếu tố đáng ngại khác khiến
COVID-19 vẫn phải được coi là một tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với sức khỏe
cộng đồng, mức cảnh báo cao nhất của WHO
WHO khuyến nghị các quốc gia và vùng lãnh thổ
thành viên duy trì đà tiêm chủng; cải thiện việc báo cáo dữ liệu giám sát
COVID-19 cho WHO bao gồm việc giải trình tự gen để truy tìm các biến thể mới;
tăng cường và đảm bảo sẵn có các biện pháp đối phó với căn bệnh bao gồm
vaccine, xét nghiệm và thuốc điều trị;
Duy trì năng lực ứng phó đối với các làn sóng
trong tương lai, tránh xảy ra chu kỳ hoảng loạn, lơ là; tiếp tục hỗ trợ nghiên
cứu vaccine cải tiến; tiếp tục điều chỉnh các biện pháp liên quan đến thông
thương quốc tế...