Sáng 2/2: Cả nước chỉ còn 2 ca COVID-19 nặng, 3 nhóm nguyên nhân dẫn đến khuyết tật ở trẻ

  • 2023/02/02 03:43

Theo thống kê của Bộ Y tế hiện cả nước chỉ còn 2 ca COVID-19 nặng đang thở oxy; Đã tròn 32 ngày Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 tử vong. Theo Bộ Y tế, một trong những nguyên nhân gây khuyết tật ở trẻ là sinh con khi mẹ trên 35 và bố trên 45 tuổi...

Cả nước còn 2 bệnh nhân COVID-19 đang thở oxy

Bộ Y tế cho biết ngày 1/2 chỉ có 11 ca mắc COVID-19, giảm mạnh so với ngày trước đó. Trong ngày có 17 bệnh nhân khỏi.      

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.526.508 ca mắc COVID-19 đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.484 ca nhiễm).

Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là 10.612.479 ca, trong số các trường hợp đang theo dõi, giám sát, hiện còn 2  bệnh nhân đang thở oxy.

Đến ngày 1/2 là tròn 32 ngày Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.


Ca mắc COVID-19 ở nước ta thời gian qua liên tục giảm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).

Phát hiện, can thiệp sớm khuyết tật ở trẻ từ 0-6 tuổi 

Theo tài liệu hướng dẫn "Phát hiện sớm - can thiệp sớm khuyết tật trẻ em" do Bộ Y tế vừa ban hành, Bộ Y tế dẫn chứng báo cáo của Tổng cục Thống kê về điều tra quốc gia Người khuyết tật Việt Nam ước tính Việt Nam có khoảng 1,2 trẻ em khuyết tật độ tuổi 0-17 (chiếm 3,1% trẻ trong độ tuổi này), trong đó trẻ < 6 tuổi có tỉ lệ khuyết tật (chiếm 1,39% trẻ cùng độ tuổi).

Loại khuyết tật phổ biến nhất ở trẻ em trong điều tra tại cộng đồng là khuyết tật về vận động chiếm 22,4% và khuyết tật về nói chiếm 21,4% tổng số trẻ khuyết tật.

Nguyên nhân chính của tình trạng khuyết tật ở trẻ em là do khuyết tật bẩm sinh (chiếm 55%-64,6%) và do bệnh tật (chiếm 23,5%-29,1%).

Cũng trong tài liệu này, Bộ Y tế nêu rõ nguyên nhân dẫn đến khuyết tật ở trẻ em được phân loại thành 3 nhóm chính.

·         Nguyên nhân khuyết tật trước sinh: bao gồm bệnh của mẹ khi mang thai (vi rút, bệnh giáp trạng, ngộ độc thai, tiểu đường, chấn thương...).

Đặc biệt, mẹ trên 35 tuổi và bố trên 45 tuổi khi sinh con cũng là nguyên nhân gây khuyết tật ở trẻ được Bộ Y tế nêu ra.

Ngoài ra, mẹ phơi nhiễm môi trường độc hại khi mang thai như các kim loại nặng, chất độc dùng trong nông nghiệp, thực phẩm, các loại thuốc, các chất kích thích như rượu, ma túy, dinh dưỡng bà mẹ, nhiễm trùng. Bất thường nhiễm sắc thể, gene, chất liệu di truyền thai nhi cũng là nguyên nhân gây khuyết tật trước sinh ở trẻ.

·         Nguyên nhân khuyết tật trong sinh: bao gồm việc can thiệp sản khoa (dùng kẹp/hút lấy thai, mổ đẻ, kích thích đẻ...).

Trẻ đẻ non (dưới 37 tuần), thiếu oxy não (ngạt), cân nặng khi sinh thấp (<2.500g), trẻ bị vàng da nhân não do bất đồng nhóm máu… là các yếu tố nguy cơ khiến trẻ bị khuyết tật.

·         Nguyên nhân khuyết tật sau sinh: bao gồm trẻ bị chấn thương sọ não, chảy máu não, nhiễm trùng thần kinh, suy hô hấp, phơi nhiễm các yếu tố môi trường độc hại (hóa chất, thuốc trừ sâu, kim loại nặng); sốt cao co giật.

·         Đối tượng của phát hiện sớm khuyết tật là tất cả trẻ em từ 0 - 6 tuổi tại cộng đồng (bình thường và khuyết tật đã được chẩn đoán trước đó). Việc phát hiện sớm và can thiệp sớm có tác động tích cực tới trẻ, cha mẹ, gia đình và xã hội tạo cơ hội cho trẻ khuyết tật hội nhập xã hội.

·         Cụ thể, nếu được phát hiện sớm và can thiệp sớm, nhiều trẻ khuyết tật sẽ phục hồi tốt và trở thành trẻ bình thường (ví dụ trẻ bị bàn chân khoèo bẩm sinh hoặc trật khớp háng bẩm sinh, trẻ tự kỷ nhẹ có chỉ số IQ bình thường).

·         Một số trẻ khuyết tật khác có thể phát triển được các kỹ năng gần như trẻ bình thường (ví dụ: trẻ chậm phát triển vận động và/hoặc ngôn ngữ so với tuổi, trẻ bại não liệt nửa người hoặc hai chân mức độ nhẹ).

·         Một số trẻ khuyết tật nặng cũng được phục hồi không dẫn đến các khuyết tật thứ phát, các kỹ năng được cải thiện nhiều và có thể hội nhập xã hội (ví dụ trẻ bại não thể co cứng nặng sẽ không bị co rút biến dạng khớp, tuy không đi lại được nhưng ngồi xe lăn vẫn có thể đi học).

Theo SKĐS