Sáng 28/10: Còn 64 ca COVID-19 nặng thở oxy, tiếp tục tăng cường hệ thống giám sát, đẩy nhanh tiêm vaccine

  • 2022/10/28 02:35

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy số mắc mới COVID-19 giảm nhẹ, tính đến nay có 6 ngày trong tháng 10, số mắc mới giảm dưới 500 ca. Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán, do đó cần chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh...

Có nhiều ngày số ca mắc COVID-19 giảm dưới 500 ca

Bộ Y tế cho biết ngày 27/10 có 484 ca mắc mới, giảm gần 400 ca so với hôm qua. Đây cũng là ngày thứ 6 trong tháng 10 có số ca mắc mới dưới mốc 500, trong đó thấp nhất là ngày 23/10 với 158 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.498.873 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 115/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.205 ca nhiễm).

Đến nay tổng số người mắc COVID-19 tại Việt Nam đã khỏi là 10.602.259 ca; trong số hơn 850 nghìn trường hợp đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở oxy ngày 27/10 là 64 ca (Đây cũng là ngày thứ 3 liên tiếp trong 7 ngày qua, số bệnh nhân nặng vượt mốc 60 ca), trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 55 ca; Thở oxy dòng cao HFNC: 4 ca; Thở máy không xâm lấn: 1 ca; Thở máy xâm lấn: 4 ca.


Các địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 1 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.165 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 138/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Cần chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh

Theo Bộ Y tế, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán. Miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian. Đồng thời, virus liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ nguy cơ tăng nặng, tử vong trở lại. 

Tại cuộc họp gần nhất lần thứ 13 (ngày 13/10/2022), Ủy ban Khẩn cấp đánh giá "Thế giới vẫn trong tình trạng đại dịch COVID-19 và các nước vẫn phải tiếp tục tăng cường hệ thống giám sát và mở rộng năng lực điều trị, vaccine cho các đối tượng nguy cơ cao; đồng thời tiếp tục cập nhật kế hoạch chuẩn bị và ứng phó quốc gia với dịch COVID-19".

Do đó, hệ thống đáp ứng phòng, chống dịch từ trung ương đến địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh nhất là trong bối cảnh một số bệnh lưu hành (sốt xuất huyết, tay chân miệng, adenovirus…) đang trong mùa cao điểm và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi khác (đã ghi nhận 02 ca bệnh đầu mùa khỉ xâm nhập từ nước ngoài); 

Tiếp tục thực hiện nghiêm, quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là tiêm vaccine phòng COVID-19 và truyền thông nâng cao trách nhiệm, ý thức người dân, cộng đồng và xã hội.

Tổng số ca mắc trên thế giới hơn 634,4 triệu ca COVID-19, trên 6,58 triệu ca tử vong.

Theo báo cáo dịch tễ của Tổ chức y tế thế giới (WHO) ngày 27/10, số ca COVID-19 mới toàn thế giới tuần qua là 2,69 triệu ca, giảm 15% so với tuần trước. Số ca tử vong là 8.562 ca, giảm 13%.

Khu vực có nhiều ca COVID-19 nhất là châu Âu với gần 1,46 triệu ca, tiếp theo là Tây Thái Bình Dương - tức khu vực có Việt Nam - với hơn 812.000 ca, theo sau là châu Mỹ với hơn 365.000 ca, các khu vực khác là Đông Nam Á, Đông Địa Trung Hải và châu Phi báo cáo số ca không đáng kể.

Tuy số ca ở các 6 khu vực của WHO đều giảm, nhưng một số quốc gia ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á vẫn có số ca cao hoặc đang tăng, trong làn sóng thu - đông vốn đã được dự báo trước.

Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, số ca đang tăng khá rõ ở Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc; Tại châu Mỹ, số ca đang tăng lại ở một số nước Nam Mỹ như Chile và Brazil.

Tại châu Âu, số ca cao nhất vẫn thuộc về Đức, Pháp, Ý, tuy nhiên đều giảm mạnh từ 12%-23% so với tuần trước.

Theo báo SKĐS