Sáng 28/12: Bộ Y tế cho biết hiện có gần 40 ca COVID-19 nặng đang thở máy, oxy
Bộ Y tế cho biết hiện có gần 40 ca COVID-19 nặng đang thở máy, oxy; Giai đoạn giao mùa tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh dịch đường hô hấp, dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch; Việt Nam đã tiêm gần 265,5 triệu liều vaccine COVID-19.
Gần 40 ca COVID-19 nặng đang thở máy, oxy
Bộ Y tế cho biết ngày 27/12 có 211 ca mắc mới COVID-19, tiếp tục đà tăng ca mắc của những ngày trước đó. Trong ngày có 86 bệnh nhân khỏi, tiếp tục không ghi nhận ca tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.524.647 ca nhiễm, đứng thứ 13/230quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.465 ca nhiễm).
Tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta đến nay là 10.610.917 trường hợp. Trong số hơn 850 nghìn người mắc COVID-19 đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở oxy là 39 ca, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 31 ca; Thở oxy dòng cao HFNC: 2 ca; Thở máy xâm lấn: 6 ca.
Bộ Y tế cho biết hiện có gần 40 ca COVID-19 nặng đang thở máy.
Dự báo tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp thời gian tới, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch bệnh do biến thể mới. Giai đoạn giao mùa tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh dịch đường hô hấp, dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch.
Thời gian tới là dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, nhu cầu giao thương du lịch tăng cao, cùng thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể gia tăng số mắc, nhất là với nhóm trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.
Do đó, Bộ Y tế yêu cầu cơ quan chuyên môn tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng, chống dịch COVID-19
Việt Nam đã tiêm gần 265,5 triệu liều vaccine COVID-19
Theo thống kê của Bộ Y tế, tổng số mũi tiêm vaccine COVID-19 cả nước đến nay là 265.429.825
Nhóm từ 18 tuổi trở lên:
- Tiêm mũi 3: Tổng số có 51.667.814 mũi tiêm (80,1%),
5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Nam (62,8%); Bình Định (60,4%); Phú Yên (62,3%); Đồng Nai (53,8%); Đồng Tháp (60%).
6 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm cao: Thanh Hóa (96,8%); Bắc Giang (98,1%); Quảng Ninh (96,8%) Nghệ An (100%); Lào Cai (97,1%); Sóc Trăng (100,4%).
- Tiêm mũi 4: Tổng số có 17.276.202 mũi tiêm (86,9%)
Nhóm từ 12-17 tuổi: Số tiêm mũi 3 có 5.778.380 mũi tiêm (68,5%)
5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (43,7%); Phú Yên (48,4%); Bình Thuận (44,1%); TP. HCM (36,4%); Đồng Nai (43%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (99,3%); Sóc Trăng (103,5%); Bến Tre (94,9%).
Nhóm từ 5- dưới 12 tuổi: Tổng số mũi tiêm đã thực hiện là 18.359.601 mũi tiêm
- Mũi 1: 10.230.216 mũi tiêm (92,5%)
5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Hà Nội (77,2%); Quảng Trị (78,8%); Đà Nẵng (68,4%); TP Hồ Chí Minh (64,5%), BRVT (73,3%)
- Mũi 2: 8.129.385 mũi tiêm (73,5%) tăng 0,2%
5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Bình (54,9%); Đà Nẵng (36,7%); Quảng Nam (48,8%); TP HCM (40,5%), Bà Rịa- Vũng Tàu (44,6%)
Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên và tăng cường tiêm chủng phòng COVID-19 cho trẻ em theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc triển khai các hoạt động tăng cường tiêm cho trẻ em mầm non, học sinh tại các cơ sở giáo dục theo Kế hoạch số 1557/KH-BYT-BGDĐT ngày 18/11/2022.
Israel coi COVID-19 là bệnh cúm từ ngày 31/1/2023
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, kênh truyền hình Kan tối 26/12 đưa tin các cơ sở xét nghiệm của Bộ Tư lệnh Mặt trận Nội địa sẽ đóng cửa từ ngày 18/1/2023 và hoạt động xét nghiệm COVID-19 sẽ được chuyển cho các cơ sở chăm sóc y tế.
Theo đó, từ ngày 31/1/2023, COVID-19 sẽ được Israel coi là một bệnh do virus gây ra, tương tự như cúm. Cũng từ thời điểm này, Trung tâm kiểm soát đại dịch COVID-19 sẽ đóng cửa và các bệnh nhân COVID-19 sẽ không còn phải cách ly theo dõi.
Kế hoạch của chính phủ Israel vấp phải sự phản đối từ các cơ sở y tế, họ yêu cầu có thêm thời gian và ngân sách, cũng như hướng dẫn cụ thể bằng văn bản. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn của kênh i24NEWS, Giáo sư Cyrille Cohen, người đứng đầu Phòng thí nghiệm Miễn dịch thuộc Đại học Bar Ilan, cho biết việc hạ cấp dịch COVID-19 xuống cúm đã được xác định từ lâu và tốc độ điều chỉnh này là bình thường.
Theo SKĐS