Sở Y tế kiến nghị UBND TPHCM công bố dịch sởi
Ca bệnh sởi tăng nhanh, Sở Y tế TPHCM lo lắng bùng phát dịch trước khả năng lây nhiễm của bệnh.
Từ đầu năm tới nay, bệnh sởi xuất hiện tại 57 phường xã tại TPHCM. Tính tới nay, toàn thành phố đã có hơn 597 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó, 346 ca xét nghiệm dương tính. TPHCM lo ngại bùng phát dịch sởi.
3 trẻ tử vong, hàng trăm ca mắc, Sở Y tế TPHCM kiến nghị công bố dịch sởi
Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, từ ngày 23/5 đến sáng 12/8 TPHCM ghi nhận 597 ca sốt phát ban nghi sởi. Trong đó, có 346 ca dương tính sởi. Các ca bệnh sởi có khoảng 50% bệnh nhân tại các tỉnh chuyển đến.
Sởi đã xuất hiện tại 57 phường xã, 16 quận huyện của thành phố. Trong đó, 9 quận huyện có 2 ca trở lên. 3 quận huyện có số ca sởi cao nhất là huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, quận Bình Tân.
Đáng chú ý, năm 2024, TPHCM đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong do mắc bệnh sởi. Cụ thể, trường hợp đầu tiên là bé gái 3 tuổi, có bệnh nền suy giảm miễn dịch thể giảm kháng thể, chậm phát triển tâm vận, suy dinh dưỡng; chưa được tiêm chủng vaccine sởi. Trường hợp thứ hai là bé gái 4 tháng tuổi, bị hội chứng Cushing, tăng tuyến thượng thận, chưa đủ tuổi tiêm chủng vaccine sởi. Trường hợp cuối cùng là bé trai 7 tuổi, bị bệnh bạch cầu cấp dòng lympho đã ghép tủy, suy tim và suy thận mạn, đã tiêm chủng 2 mũi vaccine sởi.
ThS.BS Nguyễn Đình Qui, Phó trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: P.T.
Trước sự gia tăng nhanh chóng của số ca bệnh sởi trên địa bàn TPHCM và các tỉnh, ngành y tế TPHCM chỉ đạo nhiều biện pháp quyết liệt nhằm kiểm soát sự lây lan dịch bệnh trên địa bàn thành phố, khống chế số ca biến chứng nặng và tử vong. Đồng thời, Sở Y tế TPHCM cũng đã kiến nghị UBND TPHCM công bố dịch sởi.
Tốc độ lây lan nhanh hơn COVID-19
ThS.BS Nguyễn Đình Qui, Phó trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, sởi lây lan chủ yếu qua đường hô hấp giống như COVID-19. Đặc điểm của bệnh là lây nhanh và thời gian ủ bệnh kéo dài từ 7-21 ngày.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết thêm, trung bình 1 ca sởi có thể lây cho từ 12-18 người. Trong khi 1 ca bệnh COVID-19 có thể lây cho từ 2-5 người.
Phó trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 nhận định: "Đối với bệnh sởi, nếu chúng ta không dự phòng tốt, điều trị và cách ly không đảm bảo thì nguy cơ bùng phát thành dịch rất cao".
Các biểu hiện đầu tiên cảnh báo trẻ mắc bệnh sởi là sốt, phát ban. "Có rất nhiều bệnh lý xuất hiện phát ban, tuy nhiên, ban của virus sởi gây ra rất đặc biệt và rất dễ nhận biết. Theo đó, các vết ban sẽ bắt đầu từ gáy sau đó lan xuống lưng và bùng phát ra mặt. Trong khi triệu chứng phát ban của các bệnh lý khác có thể bắt đầu từ các vị trí khác trên cơ thể và sau đó lan ra toàn thân", ThS.BS Nguyễn Đình Qui cho hay.
Một đặc điểm nhận diện nữa của sởi so với các bệnh khác đó chính là bệnh sởi sẽ gây sốt kèm phát ban, viêm kết mạc mắt, ho, sổ mũi cùng lúc, trường hợp nặng có thể thở nhanh, thở gấp, co giật. Trong khi các bệnh lý khác có thể gây phát ban nhưng ban chỉ xuất hiện sau khi sốt.
Chủ động phòng bệnh, hạn chế biến chứng
Phó trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, biến chứng của bệnh sởi rất nguy hiểm đặc biệt là biến chứng viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy... thậm chí trẻ có thể tử vong.
Từ đầu năm tới nay TPHCM đã ghi nhận 3 ca tử vong do bệnh sởi.
Đại diện HCDC cho biết, bệnh sởi chỉ được kiểm soát khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt 95% với 2 liều vaccine. Phụ huynh phải con em đến cơ sở y tế tiêm đủ hai mũi sởi theo lịch tiêm chủng để tạo miễn dịch cho trẻ.
Theo đó, cần cho trẻ đi tiêm vaccine sởi (mũi 1) khi trẻ đủ 9 tháng tuổi, khi trẻ đủ 18 tháng tuổi cần đưa trẻ đi tiêm vaccine sởi – rubella (mũi 2).
Cần liên hệ với trạm y tế nơi trẻ đang ở để biết lịch tiêm phòng các loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Trường hợp trẻ chưa được tiêm vaccine sởi nói riêng và các loại vaccien khác trong chương trình hoặc trễ lịch tiêm theo hẹn, phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng đầy đủ.
Trước tình hình trên, Sở Y tế TPHCM chỉ đạo Trung tâm Y tế quận huyện và TP Thủ Đức, các trạm y tế xã phường, thị trấn rà soát tiền sử tiêm chủng đối với các trường hợp có bệnh lý bẩm sinh, bệnh lý nền; tổ chức tiêm vaccine tại bệnh viện cho những bệnh nhi có đủ điều kiện tiêm chủng và tư vấn tiêm chủng cho người nhà của những bệnh nhi không đủ điều kiện; đẩy mạnh hoạt động tiêm bù, tiêm vét cho trẻ trong độ tiêm chủng.
Đồng thời, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai hiệu quả mạng lưới giám sát ca bệnh, hoạt động tiêm chủng và truyền thông phòng chống dịch bệnh; các bệnh viện thực hiện nghiêm túc các quy định kiểm soát nhiễm khuẩn, không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong bệnh viện; đảm bảo dự trữ đầy đủ thuốc điều trị, dịch truyền, thiết bị…phục vụ công tác thu dung điều trị người bệnh.
Theo SKĐS