Việt Nam được thế giới nhắc đến như một điều kỳ diệu trong chống đại dịch
Đã hai tháng Việt Nam không có thêm ca lây nhiễm COVID-19 nào trong cộng đồng. Nước ta đã khống chế thành công đại dịch hoành hành trên quy mô toàn cầu. Tại Việt Nam hiện chỉ có 324 người mắc, 0 ca tử vong. Việt Nam đang được thế giới nhắc đến như một điều kỳ diệu trong chống đại dịch.
Tình hình sức khỏe BN91 là nam phi công người Anh tiếp tục có chuyển biến tốt, đã tập đi lại, giao tiếp tốt bằng lời nói, sức ăn tăng lên 1.450 ml súp sữa/ngày. Viện phí điều trị của bệnh nhân lúc ở BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM (từ 18/3 - 22/5) đã được bảo hiểm chi trả. Số tiền chi trả hiện chưa được công bố, nhưng giai đoạn bệnh nhân điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh viện phí ước tính khoảng 3 tỉ đồng.
Đến nay tổng số trường hợp mắc COVID-19 được chữa khỏi ở nước ta là 323/334 bệnh nhân, chiếm 96,7% tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam, trong đó 49/50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi. Hiện cả nước chỉ còn duy nhất bệnh nhân 91 là phi công người Anh đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
11 bệnh nhân COVID-19 còn lại của nước ta đang được điều trị tại 6 cơ sở y tế, trong đó tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 có nhiều bệnh nhân với 3 trường hợp, đa số có sức khỏe ổn định.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới đang diễn biến khó lường, đặc biệt là quốc gia láng giềng với Việt Nam là Trung Quốc. Sau gần 2 tháng không có ca nhiễm mới ở cộng đồng, chỉ trong vài ngày trở lại đây, Trung Quốc đã phát hiện hàng chục ca nhiễm bệnh trong cộng đồng khiến nhiều khu vực bị phong tỏa trở lại, một số chợ dầu mối bị đóng cửa, nhiều trường học tiếp tục cho học sinh nghỉ học giãn cách xã hội....
Theo chỉ đạo của Chính phủ, trong thời gian tới đây, cả nước tiếp tục bước vào giai đoạn phát triển mới. Cụ thể, tiếp tục phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ xâm nhập dịch bệnh từ bên ngoài, kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập cảnh trên các tuyến biên giới đường bộ, đường biển, đường hàng không, tuyệt đối không chủ quan, lơ là; thực hiện biện pháp cách ly phù hợp đối với người nhập cảnh, không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Xây dựng Việt Nam là điểm đến an toàn của thế giới, không chỉ là nhằm các mục tiêu phát triển kinh tế mà còn vì các mục tiêu chính trị, đối ngoại của đất nước, nhất là với các đối tác quan trọng, các quốc gia đã kiểm soát tốt dịch bệnh.
Tạo điều kiện và thực hiện một cách nhân văn việc nhập cảnh của các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao, công dân Việt Nam, nhưng phải bảo đảm không để nguồn bệnh xâm nhập, lây nhiễm vào Việt Nam.
Thực hiện tốt việc bảo đảm an sinh xã hội, chú ý bảo đảm việc làm, hỗ trợ đối với người nghèo, không để bất cứ người dân nào bị đói, đứt bữa, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Tính đến nay, bệnh nhân 91 đã trải qua 89 ngày điều trị (hiện là bệnh nhân COVID-19 có số ngày điều trị dài nhất ở nước ta), trong đó quá trình điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh bắt đầu từ ngày 18/3 - 22/5; tại Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Chợ Rẫy từ chiều muộn ngày 22/5 đến nay. Bệnh nhân đã được ngưng lọc máu từ ngày 27/5, ngưng ECMO từ sáng ngày 3/6, ngưng thở máy từ sáng 12/6.
Đánh giá sơ bộ tình trạng sức khỏe của bệnh nhân 91 hiện nay: Bệnh nhân đã cai thở máy được 3 ngày. Sức cơ hô hấp cải thiện, sau khi cai máy thở thành công bệnh nhân đã được rút cannula mở khí quản, hiện tự thở với oxy 2 lít/phút qua cannula mũi, thở chậm hơn. Ho khạc đàm mạnh, đến nay đã tự thở được trong 3 ngày.
Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, sức cơ 2 tay đang dần hồi phục về mức gần bình thường, sức cơ 2 chân cải thiện 4/5. Bệnh nhân hiện tại đã có thể giao tiếp tốt được bằng lời nói, tự ho khạc đàm qua miệng.
Cho ăn qua đường tiêu hoá bệnh nhân dung nạp, có thể nuôi ăn qua đường tiêu hoá 1450 ml súp xay và sữa/ngày. Chức năng thận đã hồi phục, chức năng tim, gan tốt, men tụy bình thường.
Bệnh nhân đã ngưng toàn bộ các loại kháng sinh, chỉ còn thuốc kháng nấm, giảm đau, kháng đông dự phòng huyết khối đường uống xarelto. Hiện tại bệnh nhân tiếp tục được tập vật lý trị liệu ngày 2 lần. Điều chỉnh bù nước điện giải và săn sóc vết loét vùng cụt.
Mặc dù có những tiến triển vậy, tuy nhiên Tiểu ban Điều trị cũng cho rằng, nam phi công vẫn cần nhiều tuần để phục hồi đáp ứng với gắng sức và chức năng vận động, trong quá trình phục hồi có thể bị những đợt nhiễm trùng mới.Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với nhiệm "nhiệm vụ kép", vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch COVID-19.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo tiếp tục thực hiện 6 biện pháp bảo vệ trong phòng, chống dịch COVID-19:
- Vệ sinh tay
- Che miệng và mũi khi ho và hắt hơi
-Không chạm tay lên mặt khi chưa rửa sạch tay
- Hạn chế ở những không gian kín hoặc nơi đông người.
-Giữ khoảng cách tối thiểu 1m
- Thường xuyên làm sạch và khử trùng các vật/bề mặt hay được chạm vào