WHO: Các nước cần cảnh giác với Covid-19

  • 2023/12/27 04:27

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa kêu gọi các nước tăng cường theo dõi và thực hiện các biện pháp phòng dịch Covid-19. Từ ngày 20-11 đến 17-12, số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu tăng đáng kể, với 105 nước ghi nhận tổng cộng 850.000 ca mắc mới, tăng 52% so với 28 ngày trước đó.

Cần duy trì các nỗ lực phòng chống

Đáng chú ý, Đông Nam Á chứng kiến số ca mắc tăng (388%) đáng lo ngại, trong gần 1 tháng. Indonesia ghi nhận số ca mắc mới tăng cao nhất khu vực, với 3.725 ca. Báo cáo của WHO cho thấy số ca mắc tăng đáng kể tại Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan... Ấn Độ thêm 3.241 ca mắc và 21 ca tử vong trong 28 ngày; nước này ghi nhận số ca bệnh nặng tăng 425%, trong khi tỷ lệ này tại Indonesia là 317%, Thái Lan là 220%. Theo báo cáo, số ca nhập viện và cần được điều trị tích cực trên toàn cầu cũng tăng.

Trong bối cảnh thế giới đang chuyển từ cơ chế khẩn cấp sang chiến lược phòng ngừa và kiểm soát dài hạn đối với Covid-19, WHO nhấn mạnh cần duy trì các nỗ lực xét nghiệm, giải trình tự gene và báo cáo. Các nước nên tăng cường giám sát và áp dụng các biện pháp phòng ngừa virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 cũng như biến thể JN.1. Đồng thời, WHO hối thúc các nước Đông Nam Á triển khai những hoạt động phòng ngừa.

Tại Singapore, Bộ trưởng Bộ Y tế OngYe Jung nhấn mạnh, các biến thể mới không thể hiện rõ là nhẹ, nhưng việc tiêm vaccine đã giúp Singapore ứng phó được làn sóng lây nhiễm mới. Tuy nhiên, khả năng miễn dịch nhờ tiêm vaccine sẽ suy yếu sau 12 tháng, 18 tháng và 24 tháng. Vì vậy, phải chuẩn bị đề phòng khả năng Covid-19 trở nên nghiêm trọng hơn nếu người dân không tiếp tục tiêm vaccine. WHO cũng cho biết các loại vaccine hiện tại vẫn có tác dụng bảo vệ người bị lây nhiễm khỏi các biến chứng nặng và nguy cơ tử vong do JN.1 cũng như các biến thể đang lưu hành khác của virus SARS-CoV-2.


Bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại Reno, Nevada, Mỹ

Cảnh giác với biến thể mới

Virus gây bệnh Covid-19 tiếp tục tiến hóa, biến đổi và lưu hành trên toàn cầu. TS Poonam Khetrapal Singh, Giám đốc của WHO phụ trách khu vực Đông Nam Á, cho biết, dù bằng chứng hiện nay cho thấy nguy cơ rủi ro gia tăng đối với sức khỏe con người do biến thể phụ JN.1 là thấp, song giới chức y tế nên tiếp tục theo dõi sự phát triển của những biến thể này để điều chỉnh biện pháp đối phó. Các nước cần tăng cường giám sát và giải trình gene, đảm bảo chia sẻ dữ liệu với nhau.

Liên quan đến biến thể phụ JN.1, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết, biến thể JN.1 đang lây lan nhanh chóng và gây ra gần 50% số ca mắc mới Covid-19 ở nước này. Báo cáo công bố ngày 26-12 của CDC cho thấy, JN.1 đang là biến thể phát triển nhanh nhất và chiếm ưu thế trong cả nước. Biến thể này gây ra hơn 44% số ca nhiễm mới khắp nước Mỹ, tăng so với mức 21,4% được báo cáo trước đó. CDC ước tính JN.1 lây lan mạnh nhất ở các khu vực Đông Bắc gồm New Jersey và New York, nơi biến thể này chiếm gần 57% số ca nhiễm. JN.1 có liên quan chặt chẽ với BA.2.86 - biến thể đã được CDC Mỹ theo dõi từ tháng 8 vừa qua.

Biến thể JN.1 được phát hiện lần đầu ở Mỹ vào tháng 9-2023. Theo CDC, JN.1 có khả năng lây truyền cao hơn các biến thể khác, hoặc “né tránh hệ thống miễn dịch của chúng ta tốt hơn các biến thể khác đang lưu hành”.

Theo Báo mới