Báo động dịch bệnh lây truyền từ động vật
Một người ở Hà Nội vừa tử vong vì bệnh dại sau khi tham
gia giết thịt chó. Cúm gia cầm cũng đã tái xuất hiện ở Việt Nam sau 8 năm. Các
chuyên gia báo động dịch bệnh có thể sẽ bùng phát trong thời gian tới. Điều này
như là một lời cảnh báo về tình trạng dịch bệnh lây truyền từ động vật đang
diễn biến phức tạp, gây nguy hiểm đến sức khỏe con người.
Tử vong vì lây bệnh từ động vật
Theo báo
cáo của CDC Hà Nội, bệnh nhân nam, 50 tuổi (trú tại thôn Yên Nội, xã Vạn Yên,
huyện Mê Linh, Hà Nội) đã tử vong vì lây nhiễm bệnh dại.
Qua khai
thác bệnh sử, trong vòng hai tháng nay, bệnh nhân có tham gia giết mổ chó cùng
một số người họ hàng trong thôn.
Cả hai con
chó đều khỏe mạnh được nuôi hơn năm tháng trong thôn, không được tiêm phòng,
không rõ có bị cắn hay vết thương khi mổ chó. Bệnh nhân chưa tiêm vaccine phòng
dại, huyết thanh kháng dại.
Những ngày
qua, dịch cúm gia cầm lây sang người cũng đã bất ngờ tái xuất hiện ở Việt Nam
sau 8 năm. Sau khi 1 bệnh nhân bị nhiễm virus cúm gia cầm chủng A/H5 tại Phú
Thọ, ngày 21.10.2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã có
công điện khẩn về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp
phòng, chống bệnh cúm gia cầm.
Trong khi
đó, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bé gái mắc cúm gia cầm A(H5) đã may mắn qua
cơn nguy kịch. Bác sĩ Đỗ Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi
Trung ương cho biết, sau một thời gian được điều trị tích cực, bệnh nhi đã may
mắn vượt qua cơn nguy kịch: "Rất may mắn bệnh nhân phục hồi được, chúng
tôi đã rút được nội khí quản cho cháu. Bé tỉnh táo bình thường nhưng chức năng
thận của cháu, chúng tôi vẫn phải theo dõi để điều trị phù hợp".
Trước đó,
điều tra cho thấy, yếu tố dịch tễ rất điển hình trước khi bệnh nhân phát bệnh
thì đàn gia cầm nuôi của gia đình chết hàng loạt không rõ nguyên nhân và gia
đình đã giết mổ gia cầm cùng chuồng nuôi nhốt làm thực phẩm.
"Nhà chúng tôi có nuôi đàn gia cầm quy mô phục vụ gia đình chứ không phải trang trại. Khi gia cầm chết gia đình vứt không ăn, nhưng có mổ con gia cầm nuôi cùng chuồng vẫn khỏe chứ không ăn con ốm, con chết", người nhà bệnh nhân cho biết.
Bắt giữ một vụ buôn lậu giống gia cầm không rõ nguồn gốc. Ảnh: QLTT
Ngay sau
khi xác định được ca bệnh, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã cử đội phòng
chống cơ động lên Phú Thọ, đến địa bàn bệnh nhi sinh sống để phối hợp với Cục
Thú y, Bộ NNPTNT và địa phương cùng điều tra dịch tễ. Đoàn điều tra đã rà soát
và lấy mẫu bệnh phẩm của 65 người là những người tiếp xúc gần hoặc là có liên
quan dịch tễ tới cháu bé và rất may cả 65 người này đều âm tính với cúm
A/H5.
Phối hợp phát hiện, ngăn chặn các ổ dịch
Ông Nguyễn
Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, cúm gia cầm có
thể xuất hiện khi buôn bán gia cầm qua đường biên giới hay chim di cư từ quốc
gia này sang quốc gia khác. Vì vậy, việc phối hợp giữa hai cơ quan chức năng để
phát hiện, ngăn chặn các ổ dịch rất quan trọng.
Theo Bộ Y
tế, bệnh nhi đang điều trị là ca bệnh cúm A/H5 trên người mới nhất tại Việt Nam
kể từ tháng 2.2014. Tích lũy từ năm 2003 đến nay, cả nước ghi nhận 128 trường
hợp nhiễm cúm A/H5. Hiện nay, thời tiết hiện đang trong giai đoạn chuyển mùa và
thay đổi bất thường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển. Dự báo trong
thời gian tới, nguy cơ cúm gia cầm lây sang người là cao.
Để phòng
chống cúm lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo
người dân không giết mổ, sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân. Không
buôn bán, sử dụng thịt, trứng và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn
gốc.
Không ăn
tiết canh, không ăn thịt, trứng gia cầm chưa được chế biến kỹ. Khi phát hiện có
gia cầm ốm, chết phải báo kịp thời cho chính quyền địa phương. Trường hợp xuất
hiện các biểu hiện cúm có liên quan đến tiếp xúc với gia cầm, đến ngay cơ sở y
tế để được khám, điều trị kịp thời.
Trước
những diễn biến phức tạp của dịch bệnh cúm gia cầm A/H5, đồng thời để chủ động ngăn
chặn các ổ dịch cúm gia cầm trên gia cầm, hạn chế thấp nhất virus cúm gia cầm
lây nhiễm và gây tử vong cho người, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, giảm
thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi, Bộ NNPTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền các cấp
tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh
cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6, A/H5N8 và các chủng virus cúm gia cầm khác theo quy
định của Luật Thú y.
Các địa
phương này tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch, tiêm cho toàn bộ đàn gia cầm tại
thôn, xã có dịch và các địa phương có nguy cơ cao; chỉ đạo các cơ quan thú y, y
tế phối hợp chặt chẽ trong việc điều tra, lấy mẫu xét nghiệm, xác định nguyên
nhân ổ dịch trên gia cầm, trên người và xử lý ổ dịch...
Những dịch bệnh nguy hiểm vừa qua, phần lớn
đều xuất phát từ động vật hoang dã
Theo Cục
Thú y, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã xảy ra 34 ổ dịch cúm gia
cầm tại 19 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy là trên 77.000 con gia
cầm. Nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng là rất
cao.
Ngoài ra,
nguy cơ xuất hiện một số chủng virus cúm gia cầm (A/H7N9, A/H5N2, A/H5N5,…) xâm
nhiễm vào Việt Nam thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm
và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
Theo Tổ
chức Thú y thế giới (OIE), trong vòng 60 năm qua đã có 335 bệnh mới nổi xảy ra
trên người, trong đó 144 tác nhân gây bệnh (chiếm 43%) có nguồn gốc từ động vật
hoang dã; đặc biệt từ các loài linh trưởng, thú ăn thịt (cầy, cáo), dơi, chim
hoang dã, tê tê,…
Theo báo Lao động