Bộ Y tế quy định bỏ sổ khám bệnh, ra nhiều quy định mới về kê đơn thuốc
Chiều 2/7, Bộ Y tế cung cấp thông tin về một số quy định mới trong việc kê đơn thuốc và sổ khám bệnh.

Bộ Y tế vừa cung cấp thông tin về một số điểm mới tại Thông tư quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh số 26/2025/TT-BYT ngày 30.6.2025.
Đơn thuốc ngoại trú có thể kéo dài tối đa 90 ngày
Ban hành Danh mục bệnh, nhóm bệnh được áp dụng kê đơn thuốc ngoại trú trên ba mươi (30) ngày gồm 252 bệnh, nhóm bệnh. Đối với bệnh thuộc Danh mục này, người kê đơn thuốc quyết định số ngày sử dụng của mỗi thuốc trong đơn thuốc căn cứ vào tình trạng lâm sàng, mức độ ổn định của người bệnh để kê đơn thuốc với số ngày sử dụng của mỗi thuốc tối đa không quá chín mươi (90) ngày.
Như vậy, trường hợp các tài liệu làm căn cứ kê đơn thuốc như tờ hướng dẫn sử dụng thuốc, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, dược thư quốc gia Việt Nam không có hướng dẫn về số ngày sử dụng thuốc, người kê đơn có căn cứ để quyết định kê đơn đến 90 ngày cho người bệnh phù hợp.
Bắt buộc đơn thuốc có số định danh cá nhân hoặc số căn cước công dân người bệnh
Theo Thông tư, Bộ Y tế cũng yêu cầu bổ sung một số trường thông tin bắt buộc trong đơn thuốc như:
Thông tin về số định danh cá nhân hoặc số căn cước công dân hoặc số căn cước hoặc số hộ chiếu của người bệnh. Cập nhật kịp thời theo tinh thần về liên thông dữ liệu điện tử của công dân: Công dân Việt Nam cung cấp số định danh cá nhân không cần kê khai các thông tin về giới tính, ngày sinh, địa chỉ thường trú.
Người kê đơn cần ghi rõ số lượng sử dụng mỗi lần và số lần sử dụng trong ngày, số ngày sử dụng thuốc trong đơn thuốc cho người bệnh.
Thông tư cũng điều chỉnh quy định về trường hợp người bệnh đi khám nhiều chuyên khoa trong 1 lượt khám: Bệnh viện tự quyết định người kê đơn, bảo đảm người bệnh chỉ có 1 đơn thuốc, tính an toàn (không bị trùng lặp, tương tác thuốc) và hiệu quả, hợp lý của đơn thuốc.
Bỏ mẫu sổ khám bệnh
Đáng chú ý, Bộ Y tế đã quy định bỏ mẫu sổ khám bệnh tại Thông tư, người bệnh đến khám bệnh tại cơ sở hoặc kết thúc điều trị nội trú được kê đơn vào đơn thuốc và quản lý bằng hồ sơ bệnh án phù hợp.
Thông tư cũng cập nhật các quy định mới theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 (như Việc kê đơn thuốc phải tuân thủ quy định về chuyên môn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành hoặc công nhận;
Việc sử dụng thuốc trong khám bệnh, chữa bệnh phải bảo đảm các nguyên tắc: a) Chỉ định sử dụng thuốc khi thật sự cần thiết, đúng mục đích, an toàn, hợp lý và hiệu quả;
Việc kê đơn thuốc phải phù hợp với chẩn đoán bệnh, tình trạng bệnh của người bệnh) và Luật dược sửa đổi, bổ sung năm 2024 (như quy định về xử lý thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất đã bán/cấp cho người bệnh nhưng không sử dụng hết hoặc tử vong).
Với chính sách mới này, hy vọng hàng triệu bệnh nhân mạn tính sẽ giảm bớt gánh nặng di chuyển, tiết kiệm thời gian, chi phí, đồng thời vẫn duy trì được chất lượng chăm sóc sức khỏe lâu dài.
Việc kéo dài thời gian đơn thuốc cho các bệnh nhân mãn tính, được coi là bước thay đổi mang tính đột phá, tháo gỡ những bất tiện kéo dài suốt nhiều năm qua, đặc biệt với người bệnh ở vùng sâu, vùng xa, người cao tuổi hoặc người gặp khó khăn trong việc đi lại.