Công khai kết quả thuốc trúng thầu được thanh toán từ nguồn BHYT

  • 2024/04/12 00:49

BHXH Việt Nam tiếp tục thực việc công khai giá từng loại thuốc trúng thầu được thanh toán từ nguồn BHYT của từng bệnh viện, địa phương, Bộ Y tế trên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam.

BHXH Việt Nam vừa ban hành công văn về công khai kết quả thuốc trúng thầu được thanh toán từ nguồn quỹ BHYT theo quy định tại Nghị định số 24/2024/NĐ-CP.


Công văn của BHXH Việt Nam nêu rõ, thực hiện quy định tại điểm b khoản 4 Điều 94 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ quy định chỉ tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, BHXH Việt Nam tiếp tục thực việc công khai giá từng loại thuốc trúng thầu được thanh toán từ nguồn quỹ BHYT của từng bệnh viện, địa phương, Bộ Y tế trên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam.

Để thông tin được công bố chính xác, kịp thời, BHXH Việt Nam yêu cầu Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến, BHXH các tỉnh thông báo để Sở Y tế, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khai thác thông tin tại địa chỉ https://baohiemxahoi.gov.vn/; mục Văn bản -> Kết quả thuốc trúng thầu; tài liệu hướng dẫn sử dụng cung cấp trên giao diện phần mềm.

Đồng thời cập nhật danh mục thuốc mua sắm theo kết quả đấu thầu tập trung cấp địa phương lên phần mềm Giám định theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Quy trình Giám định BHYT ban hành theo Quyết định số 3618/QÐ-BHXH của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam.

BHXH Việt Nam cũng đề nghị cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cập nhật danh mục thuốc trúng thầu thuộc phạm vi thanh toán BHYT lên Cổng tiếp nhận ngay khi có kết quả lựa chọn nhà thầu và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin cập nhật.

Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến phối hợp với các đơn vị liên quan cập nhật kết quả đấu thầu tập trung thuốc quốc gia và đàm phán giá ngay khi có kết quả trúng thầu, công bố kết quả đấu thầu thuốc trên Cổng Thông tin điện tử theo quy định.

Tại Điều 94 của Nghị định 24 về nội dung mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế nêu rõ:

1. Việc chỉ định thầu đối với các gói thầu quy định tại điểm c khoản 1 Điều 23 của Luật Đấu thầu được thực hiện trong các trường hợp sau:

a) Trường hợp cấp bách cần triển khai ngay để phục vụ công tác phòng, chống dịch:

Gói thầu dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc (bao gồm cả vắc xin, sinh phẩm), hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế (bao gồm cả vật tư tiêm chủng), linh kiện, phụ kiện, phương tiện, xây lắp cần triển khai ngay nhằm phục vụ công tác phòng, chống dịch theo văn bản chỉ đạo của cấp có thẩm quyền (cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về y tế hoặc chính quyền các cấp) hoặc quyết định công bố dịch đối với bệnh truyền nhiễm hoặc địa phương đề nghị công bố dịch đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo quy định của pháp luật;

Gói thầu dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện, phương tiện, xây lắp để thiết lập, cải tạo, xây dựng khu điều trị, bệnh viện dã chiến phục vụ công tác phòng, chống dịch mà số lượng thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện, phương tiện hiện có tại cơ sở khám, chữa bệnh không đáp ứng được;

Gói thầu dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện, phương tiện, xây lắp phục vụ các đoàn ngoại giao, hỗ trợ các nước phòng, chống dịch cần triển khai ngay nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và theo đề nghị của cấp có thẩm quyền;

b) Trường hợp cấp bách cần triển khai ngay để duy trì hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm gói thầu dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện, phương tiện, xây lắp nếu không triển khai ngay sẽ làm gián đoạn hoạt động tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gây nguy hại đến sức khoẻ, tính mạng người bệnh;

c) Trường hợp cấp cứu người bệnh trong tình trạng cấp cứu theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) bao gồm các gói thầu dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện, phương tiện, xây lắp do nhu cầu đột xuất, không có mặt hàng thay thế và bắt buộc phải sử dụng để đảm bảo sức khoẻ, tính mạng của người bệnh;

d) Các trường hợp khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế (nếu có).

2. Trường hợp thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm thuộc danh mục mua sắm tập trung trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa có kết quả lựa chọn nhà thầu hoặc không lựa chọn được nhà thầu trúng thầu hoặc khi thỏa thuận khung của gói thầu mua sắm tập trung hết hiệu lực thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được mua sắm theo thông báo của đơn vị được giao nhiệm vụ mua sắm tập trung để đáp ứng nhu cầu sử dụng nhưng tối đa không quá 12 tháng theo một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu: đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, mua sắm trực tiếp, chào giá trực tuyến, mua sắm trực tuyến, chào hàng cạnh tranh theo quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định này và được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo đúng giá hợp đồng; trường hợp có kết quả trúng thầu mua sắm tập trung, chủ đầu tư được tiếp tục mua sắm theo hợp đồng đã ký với nhà thầu.

3. Bộ Y tế tổ chức mua thuốc tập trung cấp quốc gia và chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện đàm phán giá. Trường hợp áp dụng đàm phán giá, nhà thầu được mời vào đàm phán phải đáp ứng tư cách hợp lệ quy định tại các điểm a, b, c, d, e, g và i khoản 1 Điều 5 của Luật Đấu thầu.

4. Đối với việc lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm sau đây:

a) Tham gia vào quá trình thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với mua sắm tập trung, đàm phán giá;

b) Công khai giá từng loại thuốc trúng thầu được thanh toán từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế của từng bệnh viện, địa phương, Bộ Y tế trên trang thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Theo SKĐS