Một số điểm mới cơ bản trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội khóa XV thông qua

  • 2023/02/17 03:40

Sau nhiều năm triển khai, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, cần sửa đổi. Năm 2019, các cơ quan tiến hành xây dựng dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi.

Chiều 9/1/2022, Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 có hiệu lực từ ngày 01/01/2024 gồm 12 Chương, 121 Điều được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 với tỷ lệ đại biểu tán thành là 78%, 51 người không tán thành và 36 người không biểu quyết.


Một số hình ảnh tại cuộc họp Quốc hội Khóa XV về Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 (gọi tắt là sửa đổi) lần này có nhiều điểm mới như: lần đầu tiên Luật hóa Hội đồng Y khoa quốc gia; cho phép các cơ sở y tế tự quyết giá dịch vụ không vượt khung, cơ chế tự chủ, xã hội hóa… và đặc biệt là nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Về Hội đồng Y khoa Quốc gia, đây là tổ chức do Chính phủ thành lập, có chức năng đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Cụ thể, Hội đồng này có nhiệm vụ xây dựng, ban hành bộ công cụ và tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; đồng thời, tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về kết quả kiểm tra đánh giá. Hội đồng Y khoa là mô hình lần đầu có tại Việt Nam, còn mới, chưa rõ, nên Chính phủ quyết định tổ chức và hoạt động.
Để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của người hành nghề và thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác khám bệnh, chữa bệnh, Luật quy định mở rộng đối tượng hành nghề - thay đổi từ việc cấp giấy phép hành nghề theo văn bằng chuyên môn sang quy định cấp giấy phép hành nghề theo chức danh chuyên môn.

Đồng thời, nâng cao, chuẩn hóa kỹ năng của người hành nghề như: Thay đổi phương thức cấp giấy phép hành nghề thông qua xét hồ sơ sang quy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề; quy định giấy phép hành nghề có giá trị 5 năm và quy định cập nhật kiến thức y khoa là một trong các điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cũng quy định người nước ngoài hành nghề lâu dài tại Việt Nam và khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam phải sử dụng tiếng Việt thành thạo trong khám bệnh, chữa bệnh, trừ một số trường hợp hợp tác trao đổi chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo.

Việc áp dụng kê đơn thuốc điện tử, bệnh án điện tử và các thông tin này phải kết nối với Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để kiểm soát, giám sát chất lượng cung cấp dịch vụ của người hành nghề và liên thông kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cũng đã bổ sung quy định bắt buộc cơ sở phải tự phải đánh giá chất lượng khám bệnh, chữa bệnh theo bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản do Bộ Y tế ban hành theo định kỳ hằng năm và phải cập nhật kết quả tự đánh giá lên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để làm căn cứ cho việc kiểm tra, đánh giá, cũng như công khai thông tin về chất lượng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, Luật vẫn giữ nguyên quy định khuyến khích các cơ sở áp dụng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng quốc tế.

Bổ sung quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải ứng dụng công nghệ thông tin nhằm mục tiêu từng bước liên thông kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tạo thuận lợi cho người bệnh, đồng thời cũng là giải pháp để quản lý hoạt động hành nghề của các tổ chức, cá nhân.

Về tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã thay đổi từ 4 tuyến chuyên môn thành 3 cấp chuyên môn; cho phép phòng khám đa khoa tư nhân tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tổ chức giường lưu để theo dõi và điều trị người bệnh nhưng tối đa không quá 72 giờ.

Phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa để góp phần đạt được việc bao phủ sức khỏe toàn dân bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận của người bệnh với các dịch vụ y tế có chất lượng, hiệu quả về chi phí, mọi lúc mọi nơi, đặc biệt đối với các bệnh ít nghiêm trọng, mạn tính cần được chăm sóc lâu dài và thường xuyên.

Bên cạnh đó, đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó, quy định cụ thể chính sách của Nhà nước trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh: Có chính sách khuyến khích, động viên người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu. 

Hỗ trợ 100% học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học đối với người học một trong các chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu nếu học tại các cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước; 

Hỗ trợ tiền đóng học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học đối với người học một trong các chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu tương ứng với mức quy định tại điểm (2) khoản này nếu học tại các cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của tư nhân.
Luật  Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cũng bổ sung một số quy định về tài chính như cho phép các cơ sở y tế tự quyết giá dịch vụ không vượt khung, cơ chế tự chủ, xã hội hóa nhưng Luật cũng khẳng định "Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chức năng, nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao". 

Theo đó, bệnh viện, cơ sở y tế được tự chủ trong quyết định về tổ chức và nhân sự, phát triển các hoạt động chuyên môn và phục vụ khám bệnh, chữa bệnh. Bệnh viện được quyết định mức thu dịch vụ, hàng hóa liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định, trừ trường hợp do Nhà nước định giá. Viện cũng được quyết định sử dụng nguồn thu hợp pháp để đầu tư các dự án thực hiện hoạt động khám chữa bệnh; được quyết định giá dịch vụ khám chữa bệnh nhưng không vượt quá giá do Bộ trưởng Y tế quy định, trừ giá dịch vụ theo yêu cầu và giá hình thành từ hoạt động hợp tác công tư.

Về giá dịch vụ khám bệnh, Luật cũng Quy định cụ thể các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đồng thời quy định giá khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước bảo đảm được tính đúng, tính đủ theo lộ trình do Chính phủ quy định để bù đắp chi phí thực hiện khám bệnh, chữa bệnh và có tích lũy.

Bộ trưởng Y tế phối hợp Bộ trưởng Tài chính quy định phương pháp định giá với dịch vụ khám, chữa bệnh. Bộ trưởng Y tế quy định giá dịch vụ thuộc danh mục Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán, giá dịch vụ do ngân sách nhà nước thanh toán, giá dịch vụ không phải do BHYT thanh toán cũng không phải dịch vụ theo yêu cầu.
Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định giá khám chữa bệnh với các bệnh viện trên địa bàn, nhưng không vượt khung giá tương ứng của Bộ Y tế.

Bệnh viện công lập áp dụng giá với người không có thẻ BHYT dùng dịch vụ thuộc danh mục do Quỹ BHYT chi trả mà không phải loại hình theo yêu cầu. Viện cũng được tự quyết định giá dịch vụ theo yêu cầu nhưng phải kê khai.
Bệnh viện tư được quyết định và kê khai, niêm yết giá. Còn bệnh viện đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được quyết định giá khám chữa bệnh theo pháp luật về PPP.

Về xã hội hóa trong hoạt động khám, chữa bệnh, Luật cho phép thu hút nguồn lực xã hội bao gồm đầu tư và đầu tư theo hình thức công tư để thành lập cơ sở y tế tư nhân; được vay vốn, thuê mượn thiết bị...

Thực tế, hơn 90% thiết bị y tế, chẩn đoán hình ảnh phục vụ khám chữa cho bệnh nhân tại các bệnh viện là máy mượn, máy đặt. Tuy nhiên, theo cơ quan BHYT, loại hình máy mượn, máy đặt chưa được quy định trong các văn bản pháp luật nào, do đó bệnh viện không được phép dùng, bệnh nhân sử dụng dịch vụ chẩn đoán từ loại hình máy này không được BHYT chi trả... Quy định này vấp nhiều phản ứng từ các bệnh viện do ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh cho người dân và làm giảm nguồn thu của viện. Đến cuối năm 2022, loại hình máy mượn, máy đặt đã được cho phép trở lại bệnh viện.

Như vậy, Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) đã cởi những vướng mắc quy định pháp luật này, trao quyền tự quyết tài chính nhiều hơn cho các bệnh viện. Đó là thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, cụ thể hóa Hiến pháp; lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh; tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế; bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân...

Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, để bảo đảm các quy định của Luật được triển khai có hiệu quả, Bộ Y tế đang phối hợp cùng Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ sau:

1/ Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục, và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

 2/ Ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật.

3/ Xây dựng để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật.

4/ Tổ chức quán triệt việc thực hiện, phổ biến Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết

 Theo báo điện tử TTTT - GDSK Trung ương