Những dấu hiệu phát hiện sớm trẻ mắc viêm gan

  • 2022/05/10 03:36

Nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với sự gia tăng của bệnh viêm gan cấp tính nặng ở trẻ em nhưng chưa xác định được nguyên nhân. Việt Nam tuy chưa có trường hợp nào mắc căn bệnh này nhưng cũng cần cảnh giác, tuy nhiên không nên lo lắng, hoang mang thái quá.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì viêm gan cấp tính nặng chưa rõ nguyên nhân ở những trẻ em mà trước đó các trẻ em này vẫn khỏe mạnh từ Vương quốc Anh vào ngày 5 tháng 4 năm 2022.

Tính đến ngày 7/5, có khoảng 300 trẻ mắc viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân ở 20 nước, trong đó có 9 trẻ tử vong.


Nhiều trẻ em tử vong do bệnh viêm gan cấp

Bệnh xảy ra ngay ở trẻ còn rất nhỏ (từ 1 tháng tuổi đến 16 tuổi). Tuy vậy, hầu hết bệnh nhi được phục hồi hoàn toàn, chỉ có một số trường hợp chuyển nặng, đặc biệt có gần 10% phải ghép gan.

Theo thống kê của WHO, các trường hợp mắc bệnh đều có biểu hiện tiêu chảy, nôn mửa, men gan tăng cao rõ rệt và đa số trong số bệnh nhi không sốt.

WHO cho rằng đợt viêm gan cấp tính ở trẻ lần này không phải do virus viêm gan mà có thể do một loại virus khác. Các nhà khoa học đã xác định bằng các kết quả xét nghiệm ban đầu đã loại trừ bệnh lý viêm gan cấp tính này không phải do virus A, B, C, D và E cũng như các nguyên nhân đã biết khác của viêm gan cấp tính. Và như vậy, có thể do một loại virus khác được đặt vấn đề nghi vấn là tác nhân gây bệnh, đó là Adenovirus.

Tại Anh, nơi có phần lớn các trường hợp viêm gan cấp được báo cáo cho đến nay, mới đây cũng đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể các trường hợp nhiễm Adenovirus trong cộng đồng (được phát hiện qua giám sát virus trong các mẫu phân ở trẻ em); Hà Lan cũng báo cáo có sự gia tăng lưu hành Adenovirus trong cộng đồng tương tự.

Tuy nhiên, theo WHO vấn đề vai trò của Adenovirus trong bệnh viêm gan cấp tính ở trẻ em có lẽ còn phải được nghiên cứu kỹ hơn nữa mới có thể kết luận một cách chắc chắn.

Dù là nguyên nhân gì, khi trẻ có dấu bị vàng da, tiểu sẫm màu hoặc có thêm sốt và một số dấu hiệu khác như: buồn nôn hoặc nôn; chán ăn, mệt mỏi và đau bụng, mệt mỏi, quấy khóc nhiều … cần đưa trẻ tới bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa khám và kiểm tra các chỉ số có liên quan đến bệnh của trẻ.

- Người nhà tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc bởi vì, khi gan đã bị tổn thương nếu dùng thuốc có ảnh hưởng xấu đến gan thì vô cùng nguy hiểm cho gan (ví dụ dùng thuốc Paracetamol rất có hại cho gan). 

- Viêm gan dù do bất kỳ nguyên nhân gì cũng cần được điều trị đúng phác đồ vì vậy phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Để phòng bệnh các biện pháp vệ sinh thông thường như rửa tay sạch sẽ và vệ sinh đường hô hấp kỹ lưỡng cho trẻ có thể giúp giảm sự lây lan của nhiều bệnh nhiễm trùng thông thường, bao gồm cả adenovirus.


Trẻ em nên tiêm phòng đầy đủ phòng tránh các bệnh

Nên tiêm phòng đầy đủ cho trẻ; tránh chạm tay vào mặt, miệng và giữ khoảng cách khi có thể do adenovirus thường được truyền từ người này sang người khác và khi chạm vào các bề mặt bị ô nhiễm, cũng như qua đường hô hấp.

 Minh Khương