Những kỹ thuật y khoa hiện đại lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam năm 2023
Năm 2023 ghi dấu những phương pháp, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại lần đầu tiên được thực hiện thành công tại Việt Nam nhằm cứu chữa bệnh nhân.
Lần đầu tiên triển khai kỹ thuật mổ nội soi vét hạch bẹn
Theo Bệnh viện TWQĐ 108, vào tháng 11/2023, Khoa Nam học (Bệnh viện TWQĐ 108) đã phẫu thuật thành công bệnh nhân N.H.V (1988, Hà Nam) bị ung thư dương vật. Tại Bệnh viện TWQĐ 108, sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ Khoa Nam học chẩn đoán bệnh nhân bị ung thư dương vật và chỉ định phẫu thuật cắt khối ung thư, nội soi nạo vét hạch bẹn hai bên.
Quá trình phẫu thuật xác định khối u từ thân dương vật đã xâm lấn niệu đạo di động, lan dọc từ quy đầu xuống đến vật hang 2 bên. Ekip phẫu thuật đã tiến hành cắt bán phần dương vật kèm khối ung thư, tạo hình niệu đạo ngoài, và đặc biệt, đã lần đầu thực hiện kỹ thuật nội soi nạo vét hạch bẹn hai bên.
Trước đây, với mổ mở nạo vét hạch bẹn, bệnh nhân sẽ phải chịu mỗi bên một đường mổ dài 15-20cm vùng bẹn, ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình hồi phục sức khỏe và gây đau đớn sau mổ cho bệnh nhân cũng như kéo dài thời gian nằm viện. Với kỹ thuật nội soi, chỉ có 3 vết mổ 1cm. Sau 24 giờ bệnh nhân có thể đi lại được, hạn chế biến chứng do nằm lâu. Bệnh nhân sau phẫu thuật nằm viện 7 ngày, không có các biến chứng hay gặp của mổ mở nội soi nạo vét hạch như hoại tử vạt da, nhiễm khuẩn vết mổ, đọng dịch sau mổ.
Các bác sĩ Bệnh viện TWQĐ 108 đã phẫu thuật nội soi vét hạch háng bệnh nhân bị ung thư dương vật. Ảnh: BV TWQĐ 108.
Đặt điện cực sâu bề mặt vỏ não giúp phẫu thuật động kinh thành công
Ngày 8/9/2023, ca phẫu thuật động kinh phức tạp cho bé N.N.M (6 tuổi) do các bác sĩ Trung tâm Thần kinh - Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện, dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia Bệnh viện Trẻ em Alabama - Hoa Kỳ đã thành công nhờ áp dụng kỹ thuật tiên tiến thế giới và lần đầu tiên ở Việt Nam: Đặt điện cực sâu bề mặt vỏ não, xác định chính xác ổ động kinh.
Ca mổ tiến hành phẫu thuật đặt điện cực sâu bề mặt vỏ não, lập bản đồ vùng sinh động kinh, theo dõi trong vòng 24 – 48 giờ nhằm ghi hình tất cả những vùng động kinh. Khi các chỉ số ổn định, bệnh nhi được chuyển lên Khoa Ngoại Thần kinh. Tại đây, kết quả điện não đồ đã tìm ra chính xác các ổ động kinh. Các bác sĩ, chuyên gia tiến hành phẫu thuật cho N.N.M vào ngày 7/9. Trải qua hơn 4 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã loại bỏ hoàn toàn vùng tổn thương gây ra cơn động kinh cho bé N.N.M. Hiện tại, bệnh nhi gần như tỉnh táo không có cơn giật và hoàn toàn không liệt, không ảnh hưởng chức năng vận động.
Trường hợp thứ 2 là bé H.T (nam, 5 tuổi) bị xơ hóa củ ở cả 2 bán cầu não vùng trán bên trái và thái dương, có rất nhiều ổ xơ hóa củ. Các bác sĩ Trung tâm Thần kinh cùng ekip chuyên gia Hoa Kỳ tiến hành 02 bước: Mở sọ xác định ổ gây động kinh trước bằng cộng hưởng từ, sau đó tiến hành đặt điện cực. Sau 48 giờ theo dõi, các bác sĩ thực hiện phẫu thuật cắt ổ động kinh cho trẻ mà không gây ảnh hưởng đến chức năng và vận động. Với việc phẫu thuật đạt được thành công tuyệt đối như vậy, bệnh nhi sẽ không phải dùng thuốc chống động kinh sau mổ, hoàn toàn có thể trở lại cuộc sống bình thường.
Ekip thực hiện phẫu thuật cắt bỏ ổ động kinh phức tạp bệnh nhi tại BV Nhi TƯ. Ảnh: BV Nhi TƯ
Áp dụng kỹ thuật đào thải O2 qua màng ngoài cơ thể
Vừa qua, các thầy thuốc của Trung tâm Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai thành công kỹ thuật đào thải CO2 qua màng ngoài cơ thể trên hai bệnh nhân nặng. Trường hợp thứ nhất là một bệnh nhân nam, 76 tuổi, vào viện vì đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) có biến chứng tràn khí màng phổi. Khoảng 4h ngày 2/8/2023, bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Cấp cứu A9. Trong quá trình điều trị bệnh diễn biến nặng và được chuyển đến Trung tâm Hồi sức tích cực.
Bệnh nhân được áp dụng kỹ thuật đào thải CO2 qua màng lọc ngoài cơ thể, nhờ đó sẽ giúp tình trạng tăng CO2 trong máu bệnh nhân được kiểm soát dễ dàng để giúp bác sĩ điều chỉnh thông số máy thở dễ dàng hơn, giảm hỗ trợ máy thở cho bệnh nhân và giúp cho phổi nghỉ ngơi. Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân đã qua giai đoạn nguy kịch, đã được rút ống nội khí quản, đã tự thở được khí phòng và ngày 23/8, bệnh nhân đã được chuyển đến Trung tâm Hô hấp để tiếp tục điều trị bệnh phổi mạn tính.
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân nam 40 tuổi, được chẩn đoán viêm phổi nặng, biến chứng ARDS (hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển). Trung tâm Hồi sức tích cực áp dụng kỹ thuật đào thải CO2 qua màng lọc ngoài cơ thể giúp đào thải CO2 ra ngoài, nhờ đó tạo thuận lợi cho bác sĩ dễ dàng cài đặt thông số máy thở thấp xuống, giảm nguy cơ gánh nặng cho phổi của bệnh nhân và giúp cho phổi bệnh nhân nghỉ ngơi nhiều hơn. Kỹ thuật đào thải CO2 qua màng ngoài cơ thể là một kỹ thuật mới trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu.
Theo SKĐS