Quảng Ninh giải quyết bài toán thiếu nhân lực ngành Y tế?
Để giải quyết bài toán thiếu nhân lực trong ngành y tế, Quảng Ninh đã triển khai nhiều chính sách đặc thù, trong đó luân phiên với bác sĩ từ đơn y vị y tế tuyến tỉnh xuống tuyến huyện và từ tuyến huyện xuống tuyến xã làm việc có thời hạn và chế độ hỗ trợ một lần vói mức hấp dẫn.
Khó khăn nhân lực ngành y
Hiện nay, y tế Quảng Ninh cũng gặp rất nhiều khó khăn về nhân lực, bác sĩ và chuyên gia giỏi. Trong những năm gần đây, số lượng bác sĩ xin nghỉ việc nhiều ở nhiều đơn vị y tế, kể cả các đơn vị tuyến tỉnh. Theo thống kê từ năm 2019 đến 2022, tỉnh Quảng Ninh có 250 bác sĩ nghỉ việc. Riêng năm 2022, có 71 bác sĩ nghỉ, thôi việc, chuyển công tác, không làm việc trong hệ thống y tế công lập tỉnh Quảng Ninh. Các đơn vị tuyến tỉnh có thể tuyển dụng mới bác sĩ để bổ sung thay thế, nhưng các trung tâm y tế tuyến huyện và trạm y tế tuyến xã khó "giữ chân" nhân lực và vẫn tiếp tục có bác sĩ bỏ việc, thôi việc.
Y tế Quảng Ninh cũng đang thiếu đội ngũ bác sĩ chuyên khoa đầu ngành ở nhiều lĩnh vực.
Đơn cử tại Bệnh viện Phổi Quảng Ninh dự kiến sau khi hoàn thành nâng quy mô từ 200 lên 330 giường bệnh sẽ thiếu trên 50 bác sĩ. Tương tự, Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần tỉnh trong thời gian dài không tuyển dụng được bác sĩ chính quy. Nhân lực chủ yếu là bác sĩ chuyên tu nên năng lực chuyên môn, chuyên sâu còn hạn chế trong khi mô hình bệnh tật lĩnh vực tâm lý, tâm thần ngày càng gia tăng. Còn ở Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh, nhiều năm không có bác sĩ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn. Không chỉ thế, y tế Quảng Ninh cũng thiếu đội ngũ bác sĩ chuyên khoa đầu ngành ở nhiều lĩnh vực.
Đặc biệt, các đơn vị y tế tuyến cuối tuy đã triển khai được nhiều kỹ thuật chuyên sâu, nhưng cũng đang thiếu nhiều bác sĩ chuyên gia đầu ngành (chuyên khoa II, tiến sĩ) ở nhiều lĩnh vực cần ưu tiên phát triển trong thời gian tới, như: Huyết học lâm sàng (trong điều trị bệnh lý về máu); nội thận (trong triển khai kỹ thuật ghép thận); hồi sức tích cực và chăm sóc giảm nhẹ (trong điều trị phát triển chuyên khoa sâu về ung bướu); vi sinh (trong phát triển chuyên môn về giải trình gen, phát hiện sớm ung thư); ngoại lồng ngực (trong phát triển điều trị ngoại khoa các bệnh lý vùng lồng ngực như: U phổi, u trung thất, các bệnh lý khác trong lồng ngực...).
Một trong những nguyên nhân của sự thiếu hụt nhân lực y tế do sự phân bổ bác sĩ hiện có của ngành y tế không đồng đều giữa các vùng trong tỉnh và các tuyến. Hầu hết bác sĩ đều tập trung tại các đơn vị y tế tuyến tỉnh hoặc khu vực thành thị có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển.
Hiện tỉnh còn 35/177 trạm y tế xã, trong đó có nhiều xã miền núi, hải đảo, như: Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Bản Sen, Hoành Mô, Đạp Thanh... chưa có bác sĩ làm việc.
Theo BS Nguyễn Thanh Giang - Giám đốc TTYT huyện Cô Tô: "Khó khăn lớn nhất của trung tâm hiện nay vẫn là bài toán thiếu nhân lực, trong khi nhu cầu khám chữa bệnh của người dân nơi đây ngày càng lớn. Hiện tổng số cán bộ, viên chức lao động có 46 người (10 bác sĩ) với 7 khoa, phòng, trong khi theo biên chế là 55 người (thiếu 5 bác sĩ). Trung tâm luôn trong tình trạng thiếu bác sĩ, để đảm bảo công tác khám chữa bệnh của đơn vị, nhiều y bác sĩ Trung tâm buộc phải đảm nhận nhiều công việc".
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định đến năm 2025 cần đạt >15,8 bác sỹ/10.000 dân. Trong khi việc thiếu nguồn nhân lực bác sĩ giữa vùng miền và giữa các tuyến trong hệ thống y tế Quảng Ninh có nguy cơ thiếu nhiều hơn. Đặc biệt, số bác sĩ tuyến y tế cơ sở sẽ giảm mạnh do bác sĩ ở trung tâm y tế tuyến huyện và trạm y tế tuyến xã nghỉ hưu trong giai đoạn 2023 - 2025 khá lớn (là 42 người), trong khi tuyển dụng mới bác sĩ gặp rất nhiều khó khăn và tình trạng bác sĩ nghỉ thôi việc vẫn có thể chưa dừng lại.
Tạo dựng cơ chế, chính sách thu hút hấp dẫn nhân lực
Để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực, Quảng Ninh đã triển khai chính sách luân phiên với bác sĩ từ đơn vị y tế tuyến tỉnh xuống tuyến huyện và từ tuyến huyện xuống tuyến xã làm việc có thời hạn. Việc này bổ sung ngay bác sĩ cho tuyến y tế cơ sở, triển khai hoạt động chuyên môn theo vị trí việc làm. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã bổ sung hơn 50 lượt bác sĩ luân phiên từ các trung tâm y tế tuyến huyện xuống trạm y tế tuyến xã còn thiếu bác sĩ, để bảo đảm việc khám chữa bệnh kịp thời cho người dân.
Việc luân phiên bác sĩ từ tuyến tỉnh về TTYT tuyến huyện đã giúp nâng cao dịch vụ KCB cho người dân của Quảng Ninh.
Kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua Nghị quyết "về việc quy định một số chính sách thu hút và hỗ trợ bác sĩ luân phiên thuộc tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025". Thời gian thực hiện từ 1/1/2024 đến 31/12/2025 và thu hút bác sĩ về làm việc tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, một số đơn vị công lập trực thuộc Sở Y tế, Sở LĐ,TB&XH. Trong đó, số lượng thu hút tối thiểu 298 tiến sĩ y khoa, bác sĩ chuyên khoa cấp II (CKII), thạc sĩ y khoa, bác sĩ chuyên khoa I (CKI), bác sĩ nội trú, bác sĩ. Làm việc tại một số đơn vị sự nghiệp y tế công lập thuộc tỉnh và Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh.
Các đối tượng thu hút sau khi có quyết định tuyển dụng hoặc tiếp nhận vào làm viên chức, được hưởng chế độ hỗ trợ một lần. Cụ thể, khi tham gia công tác tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Việt Nam -Thụy Điển Uông Bí, tiến sĩ y khoa, bác sĩ CKII sẽ được nhận 750 triệu đồng, bác sĩ nội trú là 55 triệu đồng. Khi tham gia công tác tại Trung tâm Y tế các huyện: Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà, Cô Tô, bác sĩ nội trú, thạc sĩ y khoa, bác sĩ CKI sẽ được nhận 700 triệu đồng, bác sĩ hệ đào tạo 6 năm, tốt nghiệp loại giỏi là 500 triệu đồng, bác sĩ hệ đào tạo 6 năm là 450 triệu đồng. Ngoài ra, còn nhiều chính sách hỗ trợ cho các bác sĩ nội trú, thạc sĩ y khoa, bác sĩ CKI khi công tác tại các đơn vị công lập trực thuộc Sở Y tế, Sở LĐ,TB&XH, mức hỗ trợ từ 200-550 triệu đồng.
Tỉnh cũng xây dựng chính sách hỗ trợ bác sĩ luân phiên từ tuyến tỉnh xuống làm việc ở trung tâm y tế tuyến huyện với mức 15 triệu đồng/tháng/người và từ các đơn vị tuyến huyện xuống làm việc ở tuyến xã với mức 9 triệu đồng/tháng/người.
Tuy nhiên, về lâu dài, ngành y tế Quảng Ninh vẫn cần có thêm các giải pháp chú trọng vào tăng sức hấp dẫn của các cơ sở y tế công lập về chế độ tiền lương, đãi ngộ và môi trường làm việc tốt…, từ đó từng bước khắc phục thiếu hụt nhân lực, xây dựng đội ngũ nhân lực y tế lớn mạnh.
Theo SKĐS