Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế, thầy thuốc và bệnh nhân đều hưởng lợi
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế nói chung, trong khám chữa bệnh nói riêng đặc biệt là tim mạch, ung thư... sẽ tiết kiệm được chi phí, thời gian cho người bệnh và cơ sở y tế.
Thông tin trên được các chuyên gia nhấn mạnh tại hội nghị khoa học về y tế quốc tế do Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức hôm nay, 30/3 tại Hà Nội.
Sự kiện này là diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm giữa các chuyên gia y tế của Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) trong lĩnh vực điều trị bệnh tim mạch, ung thư, xu hướng mới trong y tế thông minh và quản lý bệnh viện, sức khỏe và du lịch...
PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam phát biểu.
Hơn 300 chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ung thư, tim mạch, quản lý bệnh viện đã trao đổi về 32 bài trình bày thuộc 3 lĩnh vực ung thư, tim mạch và y tế thông minh cùng nhiều tiến bộ mới trong điều trị ung thư.
Chủ đề y tế thông minh được các nhà quản lý bệnh viện tập trung thảo luận về hiệu quả trong ứng dụng, giúp giảm thời gian chờ đợi, lưu trữ giấy tờ, tiết kiệm chi phí cho nhân lực quản trị; giảm chi phí điều trị. Trong điều trị ung thư, y tế thông minh AI sẽ hỗ trợ cho các bác sĩ trong chẩn đoán, lựa chọn phác đồ điều trị.
Qua đó giúp tăng cường hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau giữa các chuyên gia y tế và doanh nghiệp y tế hai bên; chia sẻ và trao đổi lẫn nhau về chuyên môn và áp dụng trong việc cứu chữa bệnh nhân. Đồng thời giúp nâng cao chất lượng điều trị, dự phòng chăm sóc sức khỏe và hiệu quả quản lý bệnh nhân.
PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế đã đóng góp rất lớn đưa nền khoa học y học Việt Nam tiếp cận với thế giới, mang lại hiệu quả kinh tế và ý nghĩa xã hội sâu sắc ở nhiều lĩnh vực...
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế nói chung, trong khám chữa bệnh nói riêng đặc biệt là tim mạch, ung thư... sẽ tiết kiệm được chi phí, thời gian cho người bệnh và cơ sở y tế.
Trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ lĩnh vực y tế, đến nay Việt Nam đã và đang triển khai nhiều hoạt động hợp tác với nhiều đối tác, tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trên thế giới, tham gia vào chương trình phát triển lâm sàng toàn cầu trên nhiều lĩnh vực với sự đóng góp nhiều đối tượng cho các nghiên cứu bản lề, nhất là các nghiên cứu và ứng dụng trong y học thực hành.
Tại các phiên chuyên môn như điều trị bệnh tim mạch, diễn giả đến từ Bệnh viện Cựu chiến binh Đài Bắc, BV Bạch Mai, Đại học Y Hà Nội…đã trình bày các phương thức chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch, như: can thiệp mạch vành qua da, hình ảnh trong chẩn đoán và phân tầng bệnh cơ tim, AI trong điều trị nhồi máu cơ tim cấp, điều trị hẹp van hai lá, TAVI, Hội chứng Brugada và ứng dụng AI trong điều trị rối loạn nhịp tim.
Tại phiên điều trị ung thư, các diễn giả đến từ Bệnh viện Cựu chiến binh Đài Bắc, Bệnh viện Việt Đức, 108, Chợ Rẫy và Bệnh viện K đã trình bày các bệnh ung thư phổ biến và phương thức điều trị, bao gồm điều trị u xương ác tính, phẫu thuật cắt đốt sống toàn phần, ghép gan cho bệnh ung thư gan, phẫu thuật trong điều trị ung thư phổi, dinh dưỡng trong điều trị ung thư và xạ trị.
Đặc biệt trong phần xạ trị, các chuyên gia đến từ Đài Loan (Trung Quốc) đã cập nhật các phương thức xạ trị tiên tiến ngoài 4D như xạ trị bằng carbon nặng, liệu pháp xạ trị hạt nhân tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay.
Hơn 300 chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ung thư, tim mạch, quản lý bệnh viện đã trao đổi về 32 bài trình bày thuộc 3 lĩnh vực ung thư, tim mạch và y tế thông minh cùng nhiều tiến bộ mới trong điều trị ung thư tại hội nghị.
Cũng tại sự kiện này, 8 biên bản ghi nhớ sẽ được kí kết nhằm thúc đẩy hợp tác chung trong đào tạo nhân viên y tế, nghiên cứu và quản lý dữ liệu, chuyển giao kinh nghiệm về quản lý và điều hành bệnh viện thông minh cũng như hợp tác trong điều trị y tế cho bệnh nhân của hai phía.
Theo SKĐS