Vì sao cần cấm ngay thuốc lá điện tử chứ không thử nghiệm hay đánh giá, theo dõi?

  • 2024/05/10 04:15

"Hít hơi thuốc lá điện tử là cách thức đưa các hóa chất độc hại vào cơ thể với mức độ hấp thu nhiều nhất, nhanh nhất. Điều này đi ngược lại nhu cầu hít thở an toàn của con người...", Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo.

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là gì?

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, thuốc lá điện tử (TLĐT) là sản phẩm có hệ thống phân phối điện tử (e-cigarette) dạng thiết bị hay tách riêng các bộ phận, được thiết kế để làm nóng hỗn hợp các chất dạng lỏng qua đó tạo ra hơi để người dùng hít vào. 

Chất liệu nung nóng thường chứa các hóa chất nicotine, chất tạo hương vị, chất tạo màu, các chất phụ gia, có thể có các chất ma túy và không chứa thành phần thuốc lá...

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cũng cho biết, có ít nhất 60 hợp chất hóa học đã được tìm thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử (còn gọi là tinh dầu) và cho tới nay có gần 20.000 loại hương vị khác nhau được sử dụng.


Thuốc lá điện tử đưa hóa chất độc hại vào cơ thể nhiều nhất, nhanh nhất. Ảnh: Quỳnh Mai

"Ước tính mỗi tháng có khoảng 242 hóa chất hương liệu mới được đưa vào sử dụng. Hương liệu liên tục được tạo mới và sử dụng. Có rất nhiều hóa chất khác là các sản phẩm cháy hoặc nung nóng có trong hỗn hợp tạo ra từ TLĐT, số lượng và chủng loại không thể dự đoán trước và lớn hơn nhiều lần so với số hóa chất ban đầu", chuyên gia chống độc cho hay.

Về thuốc lá nung nóng (TLNN), theo tài liệu Factsheet của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2020, TLNN được định nghĩa là các sản phẩm tạo ra hơi hoặc hỗn hợp khí có chứa nicotine và hóa chất độc hại khi thuốc lá được làm nóng hoặc khi một thiết bị có chứa thuốc lá được kích hoạt. 

Những hỗn hợp khí này được người dùng hít vào trong quá trình hút hoặc hít thuốc lá nung nóng bằng việc sử dụng một thiết bị.

TLNN chứa chất gây nghiện cao nicotine cũng như các chất phụ gia không thuốc lá, và thường có hóa chất tạo hương vị. Thuốc lá có thể ở dạng thuốc lá được thiết kế đặc biệt (ví dụ: "que nhiệt" và "gậy Neo") hoặc pods hoặc plugs (các thuật ngữ này không có từ tương đương tiếng Việt).

Chuyên gia chống độc cho biết thêm, hiện nay ở Việt Nam xuất hiện dạng ống hít mũi để giải trí có hình dáng tương tự các ống hít thông mũi sử dụng trong cảm cúm hoặc tắc mũi, thiết kế không có hiện tượng đốt cháy hoặc nung nóng. Các ống hít mũi được gọi dưới các tên như "Energy bar" ("thanh năng lượng"), "Energy stick" ("gậy năng lượng").

Dạng sản phẩm mới này đã gây lo ngại tại Singapore và Malaysia do có thể chứa nicotine và các hóa chất không an toàn khác. Dạng sản phẩm giải trí mới này cần được kiểm soát.

Phải cấm hoàn toàn, không thử nghiệm

Trước đó, ngày 4/5, tại phiên giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng do Ủy ban Xã hội đã phối hợp với Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội tổ chức, ông Trần Thanh Mẫn - Phó Chủ tịch thường trực, điều hành hoạt động Quốc hội lưu ý thực trạng thuốc lá điện tử pha trộn ma túy diễn biến phức tạp, học sinh hút nhiều. Tình trạng mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử, pha trộn ma túy (cần sa, ma túy tổng hợp) đang diễn biến phức tạp và gia tăng rất nhanh.

Tuy nhiên, cũng có một số ít ý kiến đề xuất cơ chế quản lý đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Với quan điểm này, Giám đốc Trung tâm chống độc của BV Bạch Mai cho rằng phải cấm hoàn toàn.


Dung dịch thuốc lá điện tử (tinh dầu) được rao bán tràn lan, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe. Ảnh: Quỳnh Mai

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, TLĐT đang khởi đầu cho trào lưu và xu hướng lạm dụng các hóa chất nhân tạo tổng hợp của con người. Với vai trò của các chất gây nghiện như nicotin và các chất ma túy, trào lưu lạm dụng và tiếp xúc với các hóa chất không an toàn này sẽ ngày càng liên tục lan rộng và không có điểm dừng. Xu hướng này có nguy cơ gây ra rất nhiều vấn đề về y tế, an ninh và trật tự xã hội.

"Hít hơi thuốc lá điện tử là cách thức đưa các hóa chất độc hại vào cơ thể với mức độ hấp thu nhiều nhất, nhanh nhất. Điều này đi ngược lại nhu cầu hít thở an toàn của con người mà tất cả chúng ta đang cố gắng bảo vệ với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt, đó là không khí trong lành, các hương thơm tự nhiên và thuốc chữa bệnh…", chuyên gia chống độc khẳng định.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cũng cho hay, trong 2 năm qua, BV Bạch Mai tiếp nhận hơn 130 trường hợp nhập viện sau khi sử dụng thuốc lá điện tử. Trong đó xét nghiệm nhiều mẫu thuốc lá điện tử của bệnh nhân cho kết quả dương tính với ma túy. 

Chi phí điều trị cho những ca ngộ độc thuốc lá điện tử trộn ma túy cấp tính nhẹ đến những ca nặng tiêu tốn trung bình từ trên 10 triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng.

TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên đề xuất cần ngay lập tức cấm lưu hành thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ở Việt Nam, cần cấm hoàn toàn, không thử nghiệm, không cần đánh giá, theo dõi.

Theo báo cáo tổng hợp gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện thuộc Sở Y tế và trung tâm y tế huyện, chỉ tính riêng năm 2023, Việt Nam có 1.224 ca nhập viện do sử dụng TLĐT, TLNN.

Theo WHO và CDC Hoa Kỳ, mặc dù các sản phẩm thuốc lá điện tử mới xuất hiện trên thị trường trong thời gian gần đây và các bằng chứng còn đang được tiếp tục thu thập, nhưng đã đủ cho thấy các sản phẩm thuốc lá mới gây ra các bệnh mãn tính nguy hiểm cho người sử dụng. Những tác hại đã được biết đến bao gồm: gây nghiện do có chứa nicotine, ung thư, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp, và ảnh hưởng sức khỏe tâm thần.

Đặc biệt, thuốc lá điện tử còn có nguy cơ gây ra nhiều ảnh hưởng cấp tính nguy hiểm và nguy cơ phát sinh các vấn đề xã hội nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thuốc lá thông thường.

Theo theo tài liệu của WHO về thuốc lá nung nóng, khói tỏa của các sản phẩm này chứa các chất độc hại tương tự như khói thuốc lá điếu thông thường, nhiều trong số đó có thể gây ung thư, bệnh tim mạch và hô hấp. Một số chất độc hại trong thuốc lá nung nóng có thể có hàm lượng thấp hơn trong thuốc lá điếu thông thường, nhưng một số chất lại có hàm lượng cao hơn và một số chất chỉ xuất hiện trong các sản phẩm thuốc lá nung nóng. Mặc dù hàm lượng một số chất độc có thể thấp hơn nhưng không có bằng chứng nào cho thấy các sản phẩm này ít gây tác hại về sức khỏe hơn so với thuốc lá điếu thông thường.

Các sản phẩm thuốc lá lai giữa thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng sẽ mang những đặc tính và khả năng gây hại của cả thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

Theo SKĐS