Hưởng ứng ngày thế giới phòng chống lao năm 2025: Việt Nam cam kết, đầu tư, hành động để chấm dứt bệnh lao
Chủ đề Ngày thế giới phòng chống lao năm 2025 là “Việt Nam cam kết, đầu tư, hành động để chấm dứt bệnh lao”. Chủ đề này mang đến cơ hội để suy ngẫm về tầm quan trọng của cam kết bền vững, đầu tư nguồn lực và hành động hiệu quả cho các can thiệp đối với công tác dự phòng, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh lao.
Theo Chương trình Chống lao Quốc gia, còn 6 năm nữa để thực hiện mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, chủ đề năm nay nhấn mạnh tầm quan trọng của cam kết bền vững, đầu tư nguồn lực và hành động hiệu quả các biện pháp can thiệp quan trọng đối với công tác phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh lao. Các thông điệp chính của ngày phòng chống lao năm nay gồm: Cam kết, đầu tư, hành động.
Cam kết: Nhắc nhở những cam kết của các quốc gia tại Hội nghị Cấp cao của Liên hợp quốc về bệnh lao được tổ chức vào tháng 9 năm 2023. Tuy nhiên, chỉ cam kết thôi là chưa đủ, cần phải hành động cụ thể thông qua các chiến lược và chính sách cho hoạt động phòng chống lao tại mỗi quốc gia.
Đầu tư: Cần đẩy mạnh, mở rộng đầu tư đa dạng các nguồn lực để đẩy nhanh nỗ lực chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
Hành động: Thực hiện các cam kết và đầu tư hiệu quả thể hiện ở kết quả can thiệp trên những người hưởng lợi trực tiếp bị ảnh hưởng bởi bệnh lao. Cần tăng cường mở rộng các biện pháp can thiệp dựa trên bằng chứng, phát hiện chủ động, tích cực ca bệnh lao, chẩn đoán sớm và chính xác, điều trị dự phòng và chăm sóc chất lượng cao cho bệnh lao. Sự tham gia của cộng đồng, xã hội và sự hợp tác đa ngành là điều cần thiết để thực hiện.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan
tâm đến công tác phòng chống lao được thể hiện thông qua sự cam kết mạnh mẽ
trong công tác phòng chống bệnh lao với nhiều chính sách và hành động cụ thể.
Đặc biệt, trong năm 2024, Công điện số 25/CĐ – TTg của Thủ tướng chính phủ về
việc tăng cường công tác phòng chống bệnh lao ngày 25/03/2024 đã đẩy mạnh những
nỗ lực phòng chống lao trên toàn quốc, mang lại những kết quả vượt bậc thể hiện
qua những con số ấn tượng nhất từ trước đến nay với số bệnh nhân lao được phát
hiện trên 113.000 ca (tăng 7% so với năm 2023), tỷ lệ lao có bằng chứng vi
khuẩn là 72,8%, tỷ lệ điều trị thành công đạt trên 90% (cao hơn tỷ lệ toàn cẩu
ở mức 88%). Thành công này là nhờ vào việc đẩy mạnh hoạt động xét nghiệm, áp
dụng chiến lược 1X (Xpert), 2X (X-quang và xét nghiệm Xpert) để chẩn đoán sớm
bệnh lao tại các cơ sở y tế trên toàn quốc.
Mặc dù vậy, tình hình dịch tễ bệnh lao còn rất
nặng nề, TCYTTG ước tính Việt Nam có khoảng 182.000 bệnh nhân lao mới; 9.900
bệnh nhân lao kháng thuốc và có khoảng 11.000 người tử vong do lao hàng năm.
Năm 2023 Việt Nam đứng thứ 12/30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế
giới và đứng thứ 10/30 quốc gia có số lượng bệnh nhân Lao kháng thuốc cao nhất
toàn cầu.
Mục tiêu chấm dứt bệnh lao rất cần sự ủng hộ,
cam kết của lãnh đạo các cấp, các ban/ ngành/ đoàn thể và toàn xã hội để đảm
bảo nguồn tài chính bền vững, triển khai đồng bộ các can thiệp phòng chống lao
từ Trung ương đến địa phương.
Tại Quảng Ninh, công tác phòng, chống lao qua
các năm đã đạt được một số thành tích đáng ghi nhận: Trong những năm gần đây,
tỷ lệ người mắc lao có xu hướng giảm, trung bình mỗi năm Chương trình phòng,
chống lao tại Quảng Ninh đã phát hiện và thu nhận điều trị khoảng 1200 bệnh
nhân lao các thể trong đó bệnh nhân lao phổi mới có bằng chứng vi khuẩn học
chiếm khảng 52%; Quản lý BN lao kháng đa thuốc tích lũy trong khoảng 35 đến 66
BN/năm, Số mắc lao phổi có vi khuẩn học tái phát và lao điều trị lại dao động
dưới 125 ca/năm; Số lao/HIV trong 5 năm qua có xu hướng giảm dần (năm 2020- 55
ca, đến năm 2024 còn 30 ca); Tỷ lệ điều trị thành công BN lao các thể nói chung
đạt 94% (chỉ tiêu giao ≥92%); Tỷ lệ điều trị thành công BN lao kháng thuốc
trung bình đạt 86,1% (chỉ tiêu giao ≥78%); Tỷ lệ tử vong do bệnh lao các năm
qua duy trì dưới 2 người/100.000 dân (dưới 3% trong tổng số bệnh nhân lao phát
hiện được).
Mặc dù đạt được một số thành quả đáng ghi
nhận, tuy nhiên công tác phòng chống lao tại tỉnh ta vẫn còn gặp nhiều khó
khăn, thách thức; cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành để huy động
toàn thể xã hội tham gia vào công tác phòng chống lao, mỗi người dân chúng ta
là chiến sỹ trên mặt trận đẩy lùi vi khuẩn lao. Phấn đấu đến năm 2030, người
dân tỉnh Quảng Ninh sẽ sống trong môi trường không còn bệnh lao.
Minh Khương