45% số ca ung thư vú và 58% tử vong do ung thư cổ tử cung toàn cầu là ở Châu Á
Châu Á hiện chiếm tới 45% số ca ung thư vú và 58% tử vong do ung thư cổ tử cung toàn cầu. Tại Việt Nam, ung thư vú là loại ung thư đứng đầu và ung thư cổ tử cung đứng thứ tám tính theo tần suất mắc mới trên 100.000 dân.
Dự kiến ca mắc ung thư vú và cổ tử cung sẽ tăng nhanh
Nguy cơ do ung thư vú và ung thư cổ tử cung đối với phụ nữ châu Á – Thái Bình Dương (APAC) cao hơn so với phụ nữ trên toàn cầu. Với các biện pháp can thiệp và hành động chiến lược, có mục tiêu và bền vững, các nền kinh tế mới nổi ở APAC sẽ có vị thế tốt hơn để giải quyết những gánh nặng ngày càng tăng do bệnh ung thư vú và ung thư cổ tử cung, đồng thời đẩy nhanh tiến độ hướng tới các mục tiêu của WHO đối với cả hai căn bệnh này, theo một báo cáo do Liên minh ung thư Phụ nữ Châu Á - Thái Bình Dương (APAC WCC) công bố chiều nay 22/8 bằng hình thức hội thảo khoa học trực tuyến nối điểm cầu Việt Nam với điểm cầu một số nước trong khu vực.
Báo cáo "Tác động và cơ hội: lý do để đầu tư vào kiểm soát ung thư phụ nữ ở châu Á - Thái Bình Dương", được xuất bản bởi Economist Impact đánh giá gánh nặng của ung thư vú và ung thư cổ tử cung ở sáu quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam và xác định những thách thức và cơ hội để cải thiện riêng cho từng quốc gia.
Các diễn giả tham gia thảo luận công bố báo cáo "Tác động và cơ hội: lý do để đầu tư vào kiểm soát ung thư phụ nữ ở châu Á - Thái Bình Dương"
Tại châu Á, số ca mắc ung thư vú dự kiến sẽ tăng 20,9% và tỷ lệ tử vong tăng 27,8% trong giai đoạn 2020-2030. Số ca mắc ung thư cổ tử cung dự kiến sẽ tăng 18,9% và tỷ lệ tử vong tăng 24,9% trong cùng kỳ. Hiệu quả điều trị đối với phụ nữ mắc ung thư vú và ung thư cổ tử cung ở các nước thu nhập thấp và trung bình (bao gồm Việt Nam) cũng kém hơn.
Theo BS Somesh Kumar - Giám đốc Điều hành Toàn quốc, Jhpiego Ấn Độ và Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Lãnh đạo Kỹ thuật và Đổi mới tại Jhpiego, ở khu vực APAC các quốc gia đang nổi lên với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu sống nhiều hơn ở đô thị nên ngày càng nhiều phụ nữ có chẩn đoán ung thư vú.
"Có các mức nguy cơ, đầu tiên số ca mắc mới gia tăng, thứ hai là tăng số ca bệnh ở phụ nữ trẻ, độ tuổi của các ca mắc mới ngày càng trẻ hoá, thứ ba là ngày càng nhiều ca ung thư tiến triển nhanh ở phụ nữ ở tuổi 50. Đây là các lý do được đặt ra để giải thích một phần tại sao số ca mắc mới lại tăng nhanh ở khu vực châu Á Thái Bình Dương"- BS Somesh Kumar nói.
Cần cấp thiết hành động và đầu tư để đạt mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới về giảm gánh nặng do ung thư vú và cổ tử cung
Báo cáo "Tác động và cơ hội: lý do để đầu tư vào kiểm soát ung thư phụ nữ ở châu Á - Thái Bình Dương" nhấn mạnh sự khác biệt trong khu vực liên quan đến mức độ sẵn sàng đối phó với ung thư phụ nữ ở mỗi quốc gia.
"Sự phát triển của Liên minh ung thư phụ nữ mang đến cơ hội thử nghiệm các phương pháp phòng ngừa và kiểm soát khác nhau từ đó giúp cung cấp thông tin để hoạch định chiến lược kiểm soát ung thư của cả quốc gia và khu vực"- TS Heather White, Giám đốc Điều hành tổ chức TogetHER for Health, thành viên sáng lập của APAC WCC cho biết.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra các chương trình toàn cầu nhằm tăng tốc việc loại bỏ ung thư cổ tử cung và giảm tỷ lệ tử vong do ung thư vú điển hình là Chiến lược Toàn cầu để loại bỏ ung thư cổ tử cung và Sáng kiến ung thư vú toàn cầu. Dựa trên báo cáo này, APAC WCC hiện đang kêu gọi các quốc gia trong khu vực APAC xác định, kiến tạo và tận dụng các cơ hội để đạt được các mục tiêu của WHO.
Ung thư vú và cổ tử cung tạo gánh nặng kinh tế xã hội không chỉ với phụ nữ mà còn cả gia đình và toàn xã hội, các chính phủ cần ưu tiên tập trung đầu tư kinh phí và nguồn lực. Đầu tư hiện tại ở cả sáu quốc gia trong khu vực còn thấp và cần được cải thiện.
Tại châu Á, số ca mắc ung thư vú dự kiến sẽ tăng 20,9% và tỷ lệ tử vong tăng 27,8% trong giai đoạn 2020-2030.
Để làm rõ về các thách thức và cơ hội hiện tại, báo cáo "Tác động và cơ hội: lý do để đầu tư vào kiểm soát ung thư phụ nữ ở châu Á - Thái Bình Dương" đã tập trung nghiên cứu năm nhóm lĩnh vực chính: chính sách và lập kế hoạch; phòng ngừa và sàng lọc; chẩn đoán và nguồn lực; điều trị và tiếp cận; nhận thức và giáo dục. Một số lĩnh vực đã đạt được những bước tiến ở những mức độ khác nhau trên khắp sáu quốc gia, chẳng hạn như Kế hoạch kiểm soát ung thư quốc gia (NCCP), các chương trình tiêm chủng vaccine HPV và các chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức.
Tuy nhiên, còn thiếu các công cụ chẩn đoán quan trọng đối với ung thư vú và cổ tử cung tại các bệnh viện công, chẳng hạn như chụp nhũ ảnh, sinh thiết, giải trình tự gene thế hệ mới, chụp CT và xét nghiệm di truyền...
Để giúp các quốc gia được các mục tiêu của WHO về ung thư cổ tử cung và ung thư vú, báo cáo kêu gọi một số hành động, bao gồm:
- Theo dõi sát sao tiến độ bằng cách xây dựng cơ sở dữ liệu về tiêm chủng, sàng lọc và hiệu quả điều trị đối với ung thư cổ tử cung và ung thư vú;
- Đẩy nhanh triển khai các chương trình tiêm chủng quốc gia đối với HPV và sàng lọc ung thư để cải thiện hiệu quả phòng ngừa;
- Chính phủ nên ưu tiên các bệnh ung thư ở phụ nữ bằng cách đặt trong những lĩnh vực chính sách quan trọng để đạt được các mục tiêu quốc gia về tiêm chủng, sàng lọc và điều trị;
- Chính phủ và các tổ chức tài trợ toàn cầu nên xây dựng và triển khai các mô hình tài trợ hiệu quả và bền vững;
- Hỗ trợ những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư bằng cách đảm bảo rằng lộ trình chuyển tuyến và điều trị được xác định theo tiêu chí rõ ràng.
Theo SKĐS
Để giúp các quốc gia được các mục tiêu của WHO về ung thư cổ tử cung và ung thư vú, báo cáo kêu gọi một số hành động, bao gồm:
- Theo dõi sát sao tiến độ bằng cách xây dựng cơ sở dữ liệu về tiêm chủng, sàng lọc và hiệu quả điều trị đối với ung thư cổ tử cung và ung thư vú;
- Đẩy nhanh triển khai các chương trình tiêm chủng quốc gia đối với HPV và sàng lọc ung thư để cải thiện hiệu quả phòng ngừa;
- Chính phủ nên ưu tiên các bệnh ung thư ở phụ nữ bằng cách đặt trong những lĩnh vực chính sách quan trọng để đạt được các mục tiêu quốc gia về tiêm chủng, sàng lọc và điều trị;
- Chính phủ và các tổ chức tài trợ toàn cầu nên xây dựng và triển khai các mô hình tài trợ hiệu quả và bền vững;
- Hỗ trợ những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư bằng cách đảm bảo rằng lộ trình chuyển tuyến và điều trị được xác định theo tiêu chí rõ ràng.