Bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc kịp thời, có chất lượng, an toàn và chi phí hợp lý
Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh đến phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đạt trình độ cao hướng tới sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, thuốc sinh học...
Hướng tới sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, thuốc sinh học
Để tạo động lực cho ngành dược Việt Nam phát triển trong thời gian tới, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 09/10/2023 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Đây là văn bản hết sức quan trọng, thể hiện định hướng, mục tiêu và các giải pháp nhằm phát triển ngành dược trong giai đoạn tới, bao gồm tất cả các lĩnh vực từ sản xuất, phân phối, lưu thông, đảm bảo chất lượng thuốc, sử dụng thuốc hợp lý, an toàn…, trong đó trọng tâm tập trung vào một số điểm mới, mang tính đột phá để phát triển ngành dược trong giai đoạn tới.
Theo đó, Chiến lược nhấn mạnh đến phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đạt trình độ cao hướng tới sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, thuốc sinh học; phấn đấu đạt cấp độ 4 theo phân loại đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới.
Ảnh minh họa.
Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra mục tiêu chung là phát triển ngành dược Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực. Nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sẵn có để sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất gia công/chuyển giao công nghệ các thuốc biệt dược gốc của khu vực ASEAN. Phấn đấu phát triển nền công nghiệp dược trong nước đạt cấp độ 4 theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới.
Về định hướng đến năm 2045, Chiến lược nêu rõ, thuốc sản xuất trong nước đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và nâng cao giá trị xuất khẩu, hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu; chủ động sản xuất được các thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, vaccine, sinh phẩm và nguyên liệu làm thuốc; có thuốc biệt dược gốc từ nguồn dược liệu trong nước được nghiên cứu, sản xuất và đăng ký bản quyền.
Phấn đấu tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP trên 20 tỷ USD. Hệ thống kiểm nghiệm, phân phối thuốc, công tác dược lâm sàng, thông tin thuốc và cảnh giác dược đạt trình độ tương đương các nước tiên tiến trên thế giới.
Nâng cao vai trò của ngành dược không chỉ dừng lại ở việc đảm bảo cung cấp sản phẩm dược mà còn tham gia vào cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng cũng như trong các cơ sở y tế, thông qua đẩy mạnh phát triển dược lâm sàng, tăng cường giám sát sử dụng thuốc an toàn, hợp lý.
Xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số và thiết lập nền tảng y tế số trong lĩnh vực dược phẩm
Chiến lược Quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra nhiệm vụ, giải pháp là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ 4.0 gắn với triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số để hiện đại hóa ngành dược;
Xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số và thiết lập nền tảng y tế số trong lĩnh vực dược phẩm nhằm thiết lập đồng bộ hệ thống theo dõi, giám sát về hoạt động cung ứng thuốc và tối ưu hóa sử dụng thuốc trên người bệnh.
Từ đó có các chính sách quản lý ngành dược phù hợp nhằm sẵn sàng đảm bảo đáp ứng nhu cầu về thuốc trong các tình huống khẩn cấp (thiên tai, thảm họa, dịch bệnh); đồng thời dễ dàng thực hiện truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, quản lý chất lượng thuốc.
Chiến lược Quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra 10 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2030 với 23 chỉ tiêu bao gồm tất các lĩnh vực từ nghiên cứu phát triển thuốc sản xuất, phân phối, lưu thông, đảm bảo chất lượng thuốc, sử dụng thuốc hợp lý, an toàn…
Trên cơ tiếp tục triển khai những kết quả đã đạt được theo Chiến lược 68, Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã bổ sung/điều chỉnh một số chỉ tiêu để đảm bảo phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển ngành dược trong giai đoạn tới như:
Chỉ tiêu về phát triển sản xuất gia công/nhượng quyền các thuốc biệt dược gốc; Chỉ tiêu về quy hoạch phát triển dược liệu; Chỉ tiêu về nâng cao năng lực cơ quan quản lý nhà nước về dược;
Chỉ tiêu về phát triển dược lâm sàng; Chỉ tiêu về nâng cao tiêu chuẩn GPs trong sản xuất thuốc; Chỉ tiêu về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa và thiết lập nền tảng y tế số trong lĩnh vực dược phẩm....
Bảo đảm người dân được tiếp cận đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả với chi phí hợp lý...
Theo Bộ Y tế, có thể khẳng định việc xây dựng, trình ban hành chiến lược phát triển ngành dược với nhiều mục tiêu kỳ vọng và tập trung hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực dược trong thời gian qua đã thể hiện quyết tâm rất lớn của Bộ Y tế về việc đẩy mạnh phát triển ngành dược trong giai đoạn tới.
Trong đó trọng tâm là bảo đảm người dân được tiếp cận đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả với chi phí hợp lý; xây dựng ngành dược Việt Nam phát triển là ngành công nghiệp mũi nhọn, đóng góp nhiều hơn vào phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Theo SKĐS