Bộ Y tế đề xuất những trường hợp khám chữa bệnh BHYT được thanh toán theo mức hưởng

  • 2024/09/20 08:19

Người tham gia BHYT đi công tác, học tập, làm việc lưu động hoặc tạm trú dưới 12 tháng tại địa phương khác thì được khám, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh trên địa phương đó tương đương với cấp của cơ sở ban đầu ghi trên thẻ BHYT.

Trong trường hợp cấp cứu, người tham gia BHYT được đến bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh nào

Tại dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHYT, Bộ Y tế đề xuất các trường hợp được thanh toán theo đúng phạm vi mức hưởng khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

Theo đó, các trường hợp được thanh toán theo đúng phạm vi mức hưởng khám, chữa bệnh BHYT gồm:

  • Người có thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở thuộc cấp khám, chữa bệnh ban đầu được quyền khám, chữa bệnh BHYT tại bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh nào thuộc cấp khám, chữa bệnh ban đầu trên toàn quốc.
  • Người có thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở thuộc cấp khám, chữa bệnh ban đầu được chuyển đến cơ sở khám, chữa bệnh thuộc cấp cơ bản hoặc cấp chuyên sâu hoặc cấp chuyên sâu kỹ thuật cao được thanh toán theo đúng mức hưởng trong phạm vi thanh toán.
  • Người có thẻ BHYT được cơ sở khám, chữa bệnh thuộc cấp cơ bản chuyển đến cơ sở khám, chữa bệnh cấp chuyên sâu hoặc cấp chuyên sâu mức kỹ thuật cao.
  • Các trường hợp chuyển đúng theo cấp khám, chữa bệnh, một số trường hợp sau: chuyển vượt cấp, chuyển về cấp thấp hơn.
  • Trong trường hợp cấp cứu, người tham gia BHYT được đến bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh nào. Bác sĩ hoặc y sĩ tiếp nhận người bệnh đánh giá, xác định tình trạng cấp cứu và ghi vào hồ sơ, bệnh án. Sau giai đoạn điều trị cấp cứu, người bệnh được chuyển vào điều trị nội trú tại cơ sở khám, chữa bệnh nơi đã tiếp nhận cấp cứu hoặc được chuyển đến cơ sở khám, chữa bệnh khác để tiếp tục điều trị theo yêu cầu chuyên môn hoặc được chuyển về nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu sau khi đã điều trị ổn định.
  • Trường hợp người bệnh được chuyển cơ sở khám, chữa bệnh có bệnh khác kèm theo, bệnh được phát hiện hoặc phát sinh ngoài bệnh đã ghi trên giấy chuyển viện, cơ sở khám, chữa bệnh tiếp nhận người bệnh thực hiện việc khám, chữa bệnh đối với các bệnh đó trong phạm vi chuyên môn.
  • Trường hợp người tham gia BHYT đi công tác, học tập, làm việc lưu động hoặc tạm trú dưới 12 tháng tại địa phương khác thì được khám, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh trên địa phương đó tương đương với cấp của cơ sở ban đầu ghi trên thẻ BHYT. Trường hợp địa phương đó không có cơ sở y tế tương đương thì người tham gia BHYT được lựa chọn cơ sở khám, chữa bệnh khác có tổ chức khám, chữa bệnh BHYT ban đầu.
  • Bộ Y tế đề xuất những trường hợp khám chữa bệnh BHYT được thanh toán theo mức hưởng- Ảnh 1.
  • Người tham gia BHYT đi công tác, học tập, làm việc lưu động hoặc tạm trú dưới 12 tháng tại địa phương khác thì được khám, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh trên địa phương đó tương đương với cấp của cơ sở ban đầu ghi trên thẻ BHYT.

Chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT đúng và không đúng trình tự

Dự thảo nêu rõ, việc chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT căn cứ vào tình trạng bệnh của người bệnh, khả năng đáp ứng chuyên môn của cơ sở khám, chữa bệnh và do cơ sở khám chữa bệnh quyết định theo yêu cầu chuyên môn và quy định của pháp luật về khám, chữa bệnh.

Theo dự thảo, các trường hợp chuyển người bệnh khám chữa bệnh BHYT theo trình tự bao gồm:

1. Chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám, chữa bệnh cùng cấp khám, chữa bệnh.

2. Chuyển người bệnh từ cơ sở khám, chữa bệnh thuộc cấp khám, chữa bệnh thấp lên cơ sở thuộc cấp cao hơn liền kề.

Các trường hợp chuyển người bệnh khám bệnh chữa bệnh BHYT không theo trình tự gồm:

1. Cấp cứu.

2. Chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám, chữa bệnh cùng cấp khám, chữa bệnh ban đầu.

3. Chuyển người bệnh từ cơ sở khám, chữa bệnh thuộc cấp khám, chữa bệnh cao hơn xuống cơ sở khám, chữa bệnh thuộc cấp thấp hơn.

4. Chuyển người bệnh từ cơ sở khám, chữa bệnh thuộc cấp khám, chữa bệnh thấp lên cơ sở thuộc cấp khám, chữa bệnh cao hơn trong trường hợp đã được xác định bệnh quy định.

5. Trường hợp người tham gia BHYT đi công tác, học tập, du lịch hoặc lưu trú tại địa phương khác mà khám, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh cùng cấp với cơ sở đăng ký ban đầu.

6. Người bệnh đã được chẩn đoán xác định mắc một trong các bệnh quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này (Lao, bệnh phong, HIV/AIDS, di chứng viêm não, bệnh Ký sinh trùng, ung thư, bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia), suy tủy xương, thiếu máu bất sản tủy, động kinh, bại não, não úng thủy…).

Sử dụng Giấy chuyển viện đối với người bệnh có thẻ BHYT thế nào?

Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất quy định sử dụng Giấy chuyển đối với người bệnh có thẻ BHYT như sau:

  • Trường hợp người bệnh được chuyển đến cơ sở khám, chữa bệnh khác thì chỉ cần Giấy chuyển của cơ sở khám, chữa bệnh nơi trực tiếp chuyển người bệnh đi.
  • Trường hợp người bệnh đến cơ sở khám, chữa bệnh không phải là cơ sở khám, chữa bệnh BHYT ban đầu và sau đó được chuyển tiếp đến cơ sở khám, chữa bệnh khác thì chỉ cần Giấy chuyển của cơ sở nơi trực tiếp chuyển người bệnh đi.

Giấy chuyển cơ sở khám, chữa bệnh có giá trị sử dụng theo quy định tại Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.

Theo dự thảo, người bệnh có thẻ BHYT mắc các bệnh, nhóm bệnh và các trường hợp được sử dụng Giấy chuyển cơ sở khám, chữa bệnh một năm quy định tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này (Lao, bệnh phong, di chứng viêm não, bại não; liệt tứ chi ở trẻ em dưới 6 tuổi, ung thư, u nhú thanh quản…) thì Giấy chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giá trị sử dụng từ ngày ký đến hết ngày liền trước ngày ký của năm dương lịch sau hoặc đến ngày 31/12 của năm dương lịch đó nếu giá trị sử dụng kể từ ngày 1/1 của năm đó.

Trường hợp đến hết thời hạn của giấy chuyển cơ sở khám, chữa bệnh mà người bệnh vẫn đang điều trị nội trú tại cơ sở khám, chữa bệnh thì Giấy chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giá trị sử dụng đến hết đợt điều trị nội trú đó.

Trường hợp người bệnh đang điều trị các bệnh, nhóm bệnh và các trường hợp được sử dụng giấy chuyển cơ sở khám, chữa bệnh một năm quy định tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản hoặc cấp khám, chữa bệnh chuyên sâu thì được tiếp tục điều trị trong năm tại cơ sở khám, chữa bệnh đó theo giấy hẹn khám lại hoặc giấy chuyển cơ sở khám, chữa bệnh…

Theo Báo SKĐS