Những điều cần biết về 2 biến thể COVID-19 mới EG.5 và EG.5.1

  • 2023/08/14 00:51

Do khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch cao hơn so với những biến thể trước đó, biến thể EG.5 đã lan ra 45 nước trên thế giới, làm tăng số ca mắc và nhập viện do COVID-19. WHO nâng mức cảnh báo EG.5 thành biến thể đáng quan tâm, trong khi biến thể Eris (EG.5.1) được đưa vào danh sách biến thể đang theo dõi.

EG.5 là biến thể phụ mới từ dòng tái tổ hợp XBB thuộc họ Omicron. Trong khi đó, biến thể EG.5.1 là một nhánh phái sinh từ nó. EG.5.1 còn có tên gọi khác là Eris.

EG.5 là biến thể COVID-19 đang chiếm chủ đạo ở Mỹ. Biến thể EG.5 chiếm 17% số ca mắc mới ở Mỹ, vượt qua cả biến thể quen thuộc XBB.1.16 (chiếm 16%). Đây là số liệu ước tính do Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Mỹ đưa ra.


Vào ngày 9/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nâng mức cảnh báo EG.5 từ biến thể đang theo dõi thành biến thể đáng quan tâm.

WHO cho biết, biến thể EG.5 đã được phát hiện ở 45 quốc gia. Số ca mắc biến thể EG.5 đã tăng gần gấp đôi từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 7.

Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada, Anh, Pháp, Singapore, Australia, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đều đã báo cáo ít nhất 100 trường hợp giải trình tự gene phát hiện nhiễm EG.5.

WHO đánh giá mức độ rủi ro toàn cầu do biến thể mới EG.5 tương đối thấp, chỉ tương tự như hai biến thể lưu hành đang được quan tâm khác XBB.1.5 và XBB.1.16.

Đột biến nào khiến biến thể EG.5 trở nên dễ lây lan hơn?

Dòng phụ EG phái sinh từ họ tái tổ hợp XBB thuộc chủng Omicron. So với phiên bản gốc XBB.1.9.2, dòng phụ EG có thêm đột biến gene virus ở vị trí 465. Đột biến này đã từng xuất hiện trong các biến thể COVID-19 khác trước đây, tuy nhiên, vẫn chưa rõ virus đã tiến hóa thế nào để trở nên nguy hiểm hơn.

Đột biến 465 hiện diện trong khoảng 35% mẫu giải trình tự gene COVID-19 trên toàn thế giới. Điều này chứng tỏ rằng đột biến này đang mang lại lợi thế tiến hóa hơn so với các phiên bản trước đó.

Ở nhánh phái sinh EG.5.1, thêm đột biến thứ hai làm cho virus dễ lây lan hơn.

Theo GS.TS. David Ho - chuyên khoa vi sinh học và miễn dịch học, Đại học Columbia, Mỹ, cả hai biến thể EG.5 và EG.5.1 có khả năng chống lại các kháng thể trung hòa trong huyết thanh của người nhiễm COVID-19 cao hơn một chút.

Về mặt lâm sàng, hai biến thể mới này dường như không gây ra các triệu chứng COVID-19 khác biệt hoặc nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước đó.

Theo GS.TS. Eric Topol - bác sĩ tim mạch tại Viện Nghiên cứu Scripps (Mỹ), về cơ bản, biến thể EG.5 có khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch cao hơn so với các biến thể XBB trước đó, vì vậy mà EG.5 nhanh chóng có mặt ở nhiều nơi trên thế giới.

Ngoài Mỹ, biến thể COVID-19 mới EG.5 đang nhanh chóng lây lan ở Ireland, Pháp, Anh, Nhật Bản và Trung Quốc.

Biến thể EG.5 đang làm cho số ca mắc COVID-19 cũng như số ca nhập viện tăng lên.

Biến thể COVID-19 Eris (EG.5.1) có gì đặc biệt, triệu chứng khi mắc là gì?

Kể từ khi xuất hiện, biến thể COVID-19 mới Eris (EG.5.1) nhanh chóng trở nên phổ biến ở Anh và Mỹ.

Tính đến ngày 20/7, Eris là biến thể phổ biến thứ 2 ở Anh quốc, chiếm khoảng 14,55% tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này.

Theo Bộ Y tế Anh, số ca mắc biến thể Eris tăng 20,51% mỗi tuần tại nước này. Còn ở Mỹ, số ca mắc biến thể Eris chỉ xếp sau Arcturus (XBB.1.16).

Theo tổ chức nghiên cứu sức khỏe Zoe, các triệu chứng COVID-19 khi mắc biến thể Eris tương tự như Omicron, phổ biến nhất bao gồm:

  • Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi.
  • Đau đầu.
  • Mệt mỏi.
  • Hắt xì hơi.
  • Đau họng.
  • Ho.
  • Thay đổi về khứu giác.

Phải làm gì khi bạn mắc COVID-19?

Theo CDC, khi biết mình mắc COVID-19, bạn nên làm những điều sau nhằm điều trị bệnh cũng như tránh lây bệnh cho người khác:

  • Tự cách ly ở nhà.
  • Mở cửa sổ thoáng khí, đảm bảo nhà cửa thông thoáng, lưu thông không khí tốt.
  • Đeo khẩu trang N-95 hoặc các khẩu trang chất lượng tốt khi ở gần người khác.
  • Tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 và cập nhật mũi tiêm bổ sung khi cần.
  • Theo dõi các triệu chứng COVID-19 và gọi điện xin tư vấn bác sĩ khi cần thiết.
  • Uống thuốc và tuân thủ các phương pháp điều trị COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
  • Nghỉ ngơi và dùng thuốc điều trị theo triệu chứng, ví dụ như dùng thuốc hạ sốt khi bị sốt, thuốc giảm đau khi bị đau đầu,...
  • Rửa tay thường xuyên, giữ nhà cửa sạch sẽ, khử khuẩn đồ dùng, mặt bàn,... trong nhà. 
  • Theo SKĐS