Những điều cần biết về virus Nipah đang bùng phát có thể gây viêm não và tử vong
Theo CDC, người nhiễm virus Nipah có tỷ lệ tử vong lên tới 40-75%. Triệu chứng nghiêm trọng như co giật, viêm não có thể dẫn đến hôn mê trong vòng 24-48 giờ.
Ấn Độ đang thực hiện các bước khẩn cấp nhằm ngăn chặn sự lây truyền của một loại virus hiếm gặp nhưng có thể gây chết người. Đó chính là virus Nipah lây truyền từ dơi sang người.
Trong đợt bùng phát virus Nipah ở Kerala, Ấn Độ, phát hiện 5 trường hợp nhiễm. Hiện đã có 2 trường hợp tử vong do nhiễm virus Nipah ở Ấn Độ.
Quận Kozhikode nơi dịch bùng phát đã phải tiến hành cách ly và đóng cửa các trường học. 76 người tiếp xúc với người nhiễm bệnh đang được theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu.
Đây là đợt bùng phát virus Nipah thứ 4 ở Kerala. Vụ nguy hiểm nhất là vào năm 2018, khi đó, 18 trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh qua xét nghiệm, 5 trường hợp khác nghi nhiễm. 17 trường hợp nhiễm bệnh đã tử vong sau đó.
Theo các chuyên gia y tế, mặc dù tỷ lệ tử vong cao và không có phương pháp điều trị đặc hiệu, có khó có khả năng virus Nipah sẽ dẫn đến tình trạng khẩn cấp toàn cầu.
Virus Nipah liên kết với các thụ thể trên tế bào người trong giai đoạn đầu nhiễm bệnh. (Nguồn ảnh: Dr_microbe/Getty).
Virus Nipah là gì?
Virus Nipah là một loại virus RNA thuộc họ Paramyxoviridae. Virus Nipah lây truyền từ động vật sang người. Virus được tìm thấy chủ yếu ở động vật và ban đầu có thể lây từ động vật sang người.
Theo CDC, bệnh do virus Nipah gây nên được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1999, sau một đợt dịch bùng phát trên cả lợn và người ở Malaysia và Singapore.
Loại virus này thường lây lan chủ yếu từ loài dơi ăn quả, có thể lây sang người qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp.
PGS. TS. Diana Finkel, khoa bệnh truyền nhiễm tại Trường Y khoa Rutgers New Jersey cho biết: "Mọi người có thể bị nhiễm virus Nipah nếu tiếp xúc gần với động vật nhiễm bệnh hoặc dịch tiết của chúng, chẳng hạn như ăn quả nhiễm nước dãi của dơi".
Ngoài ra, virus Nipah cũng có thể lây từ người này sang người khác nếu tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc với dịch tiết cơ thể của người nhiễm.
Triệu chứng khi nhiễm virus Nipah
Các triệu chứng thường xuất hiện từ 4-14 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Triệu chứng phổ biến nhất là sốt, sau đó là nhức đầu, ho, đau họng, khó thở và nôn.
Theo CDC Mỹ, chẩn đoán nhiễm virus Nipah ở giai đoạn đầu gặp khó khăn do triệu chứng ban đầu giống với các bệnh khác.
Nhiễm virus Nipah có thể dẫn đến những triệu chứng nghiêm trọng bao gồm mất phương hướng, buồn ngủ, co giật hoặc viêm não. Tiếp theo, bệnh nhân có thể hôn mê trong vòng 24-48 giờ sau đó.
Tỷ lệ tử vong ở người nhiễm virus Nipah dao động từ 40-75%. Virus Nipah để lại di chứng ở người sống sót sau nhiễm chẳng hạn như những cơn co giật dai dẳng.
Phương pháp điều trị nhiễm virus Nipah
Hiện tại chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu đối với virus Nipah mà chủ yếu là điều trị theo triệu chứng, chăm sóc bệnh nhân, cho người bệnh nghỉ ngơi và truyền dịch.
Theo các chuyên gia y tế, một số phương pháp điều trị virus Nipah đang được phát triển. Chẳng hạn như, liệu pháp kháng thể đơn dòng. Trong liệu pháp này, protein miễn dịch được sản xuất trong phòng thí nghiệm, bắt chước các kháng thể cơ thể tạo ra tự nhiên nhằm chống lại virus.
PGS. TS. Diana Finkel cho biết loại thuốc này đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I và hiện đang được sử dụng trên cơ sở nhân đạo.
Các nhà nghiên cứu cũng đang nghiên cứu lợi ích tiềm năng của remdesivir, loại thuốc tiêm tĩnh mạch dùng để điều trị COVID-19 đã được chứng minh là có tác dụng tốt ở các loài linh trưởng nhiễm virus Nipah.
Theo các chuyên gia y tế, khó có khả năng bùng phát virus Nipah ở Ấn Độ sẽ dẫn tới dịch lây lan toàn cầu. Hiện nay, sự lây lan virus Nipah từ người sang người ở Ấn Độ vẫn ở mức hạn chế.
Theo SKĐS